Mách bạn 5 cách bảo vệ hệ hô hấp khỏi ô nhiễm không khí

An Nhiên (T/h)|21/03/2019 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không khí ô nhiễm gây ra các bệnh đường hô hấp ở người lớn, trẻ nhỏ. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh do hệ hô hấp nhạy cảm, chưa hoàn chỉnh. Hãy cùng tham khảo và bỏ túi 5 phương pháp tự bảo vệ hệ hô hấp khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng như hiện nay nhé.

Theo chỉ số Năng lực quản lý môi trường (EPI) đánh giá tại 180 quốc gia do các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) thực hiện năm 2016, Việt Nam nằm trong top 11 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất thế giới.

Những biện pháp dưới đây sẽ góp phần bảo vệ mũi xoang, ngăn ngừa bệnh cho gia đình.

Đeo khẩu trang

Người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường để giảm bớt tiếp xúc với khói bụi, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc… Nếu nhà ở cạnh đường, bạn không nên mở cửa sổ thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm. Khi phải làm việc ở nơi có nhiều bụi bẩn, khí thải, bạn luôn mang khẩu trang, không dùng tay ngoáy mũi. Bên cạnh sử dụng khẩu trang, vệ sinh mũi mỗi ngày góp phần bảo vệ sức khỏe mũi xoang cho cả gia đình tốt hơn.

Đeo khẩu trang khi ra đường giúp hạn chế khói bụi gây các bệnh đường hô hấp. Ảnh: Shutterstock

Xịt sạch mũi

Thói quen này góp phần phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp. Để vệ sinh mũi, bạn có thể áp dụng công thức 1-2-3 gồm xịt sạch mũi mỗi ngày, hai lần vào buổi sáng và tối, ba lần vào mỗi bên mũi.

Vệ sinh mũi mỗi ngày làm sạch vi khuẩn, bụi bẩn, hỗ trợ loại bỏ tác nhân gây bệnh viêm mũi, viêm xoang cho gia đình. Xịt mũi sau khi đánh răng xong vào buổi sáng vì lúc này nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm cao hơn dễ gây kích ứng, ứ đọng dịch tiết, sổ mũi…. Xịt mũi vào buổi tối giúp làm sạch bụi sau ngày dài tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Bạn có thể xịt ba lần vào mỗi bên mũi để đưa lượng nước đủ thấm vào ngóc ngách trong mũi, tống được tác nhân gây bệnh ứ đọng trong ngách mũi.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh ứ đọng bụi bẩn, vi khuẩn. Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn nên uống 2-2,5 lít nước; một lít nước cho trẻ trên một tuổi mỗi ngày. Bé từ 6-12 tháng cần 100 ml nước trên kg cân nặng (bao gồm cả sữa). Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột không cần uống nước. Nếu bé ra nhiều mồ hôi do còi xương hoặc đi ngoài phân táo bón, mẹ cho con uống thêm 100-200 ml.

Những ngày thời tiết nóng, luyện tập thể thao, thường xuyên ở trong phòng máy lạnh, người lớn, trẻ em cần cung cấp nhiều nước để bổ sung lại lượng nước đã mất. Một cốc nước ấm vào buổi sáng sau khi ngủ dậy giúp cổ họng không bị khô rát. Nước đá lạnh dễ gây viêm họng nên hạn chế.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng

Trẻ con chịu nhiều ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí vì cấu tạo niêm mạc mũi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu. Mẹ cần xây dựng chế độ ăn cho bé đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết. Trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Mẹ nên bổ sung protein từ thịt, cá, trứng sữa… vào bữa ăn hàng ngày của bé, hạn chế ăn nhiều thức ăn lạnh vì dễ khiến nhiệt độ vòm họng thay đổi đột ngột, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể.

Trẻ em dễ mắc các bệnh hô hấp do không khí bị ô nhiễm. Ảnh: Shutterstock

Chú ý khi dùng điều hòa

Môi trường trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm gây ra viêm mũi, viêm xoang… Điều hòa góp phần giúp thanh lọc không khí nhưng cần sử dụng đúng cách. Vệ sinh định kỳ để tránh vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ. Nhiệt độ trong phòng và môi trường không được chênh lệch quá 5 độ C.

Với phòng của trẻ, mẹ không để luồng khí máy lạnh thổi trực tiếp vào chỗ nằm, đắp chăn mỏng cho bé. Nhiệt độ phòng trẻ nên giữ khoảng 26-28 độ C vào ban ngày, 27-28 độ C vào ban đêm. Nếu cho trẻ sơ sinh nằm trong phòng máy lạnh khi thời tiết nóng, mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan
  • Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội
    Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được như: Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mách bạn 5 cách bảo vệ hệ hô hấp khỏi ô nhiễm không khí