Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ cần chuẩn bị những gì?

Lâm Hạnh|14/06/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vào ngày Tết Đoan Ngọ các gia đình sắm lễ dâng hương, cầu mong vạn sự may mắn, bình an và lòng hướng đến một tiết mới trong sáng, quang đãng.

Mâm cỗ cúng ngày Tết Đoan Ngọ.

Theo quan niệm dân gian, các gia đình nên cúng Tết Đoan ngọ đúng vào giờ ngọ tức là từ 11-13 giờ. Ngoài ra, nếu không sắp xếp được thời gian, các gia đình có thể dâng lễ cúng vào 7-9 giờ sáng. Hai khung giờ được coi là khung giờ hoàng đạo, thích hợp để tiến hành những nghi lễ cúng bái tâm linh.

Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như:

Rượu nếp

Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm của người xưa, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu có thể tiêu diệt ký sinh trùng có hại trong cơ thể.

Vào sáng mùng 5/5 âm lịch, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau thưởng thức chút rượu nếp với mong muốn và niềm tin đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.

Bánh ú tro

Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ngày thường, bánh ú tro ít xuất hiện ở các chợ nhưng cứ đến Tết Đoan Ngọ sẽ xuất hiện nhiều lên trông thấy.

Theo quan niệm xưa, ăn bánh tro vào ngày mùng 5/5 âm lịch thì mọi bệnh tật trong người sẽ được tiêu tan, cây cối và hoa màu sẽ tiêu diệt hết sâu bọ. Vậy nên sau khi cúng, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cỗ để ăn món ăn này.

Hoa quả

Để giết sâu bọ, tiêu tan bệnh tật, làm mát cơ thể, người ta thưởng chọn các loại hoa quả đặc trưng mùa hè. Mận, đào, vải, xoài,….. với hương bị chua chua, ngon ngọt được cho không chỉ để tiêu trừ mầm bệnh mà còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.

Trầu cau, hàng mã và hương hoa

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu trầu cau, hàng mã và hương hoa. Các chị em nội trợ nên chọn những trái cau, lá trầu không tươi xanh. Nên chọn các loại hoa đồng tiền, cúc, sen… với màu sắc và hương thơm thanh nhã để dâng cúng.

Xôi, chè

Chè trôi nước, xôi oản, chè kho,… đều là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Xôi và chè thể hiện sự trân trọng của con cháu đối với những “hạt ngọc” mà người nông sân đã một nắng hai sương chăm chút.

Vậy nên không chỉ trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ mà trong các dịp lễ lạt khác, hai món này cũng thường xuất hiện trên mâm cỗ cúng. Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự biết ơn, lòng thành và cầu mong mọi điều ấm áp, bền vững trong cuộc sống.

Lá xông

Ngày Tết Đoan Ngọ, người dân còn thường mua lá xông để đuổi những điều kém may mắn. Thông thường một bó lá xông gồm nhiều loại lá khác nhau như ngải cứu, ngũ trảo, khuynh diệp, liễu đỏ…

Ngoài ra, tùy từng điều kiện gia đình có thể làm mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày Tết giết sâu bọ. Nếu chuẩn bị mâm cỗ cúng, ngoài món đặc trưng như xôi gấc, nem rán, gà luộc,… còn không thể thiếu thịt vịt. Vào ngày Tết Đoan ngọ dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn, giải nóng, làm mát cơ thể.

Ngoài ra, có thể chuẩn bị đơn giản như dâng hương hoa, cúng trái cây tươi. Điều quan trọng nhất trong ngày Tết giết sâu bọ là để con cháu được tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và trân trọng những điều đẹp đẽ của tạo hóa.

Lâm Hạnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ cần chuẩn bị những gì?