Mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ

Bùi Vân (Monre.gov.vn)|23/06/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ được thiết kế gồm 3 bể chứa

(Moitruong.net.vn) – Mới đây, nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã cho ra đời một sáng kiến mới trong xử lý nước thải dệt nhuộm. Đó là mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ.

Nhóm tác giả của mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ gồm: Lâm Hưng Thắng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Ngọc Hùng (Khoa Môi trường liên ngành) và Nguyễn Duy Hùng (khoa Điện).

Từ việc thấy hợp chất PGα21Ca được ứng dụng nhiều trong việc xử lý nước hồ, cung cấp nước sạch và có thể xử lý được độ màu trong nước thải, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng PGα21Ca để làm vật liệu keo tụ xử lý nước thải dệt nhuộm. Được biết, việc ứng dụng và đánh giá hiệu quả xử lý nước thải dệt nhuộm của vật liệu PGα21Ca chưa được nghiên cứu rộng rãi tại Việt Nam.

Mô hình được thiết kế gồm 3 bể chứa: Bể nước bẩn, bể keo tụ và bể chứa nước sau xử lý, kết hợp với cánh khuấy, van xả và bể chứa cặn. Nước thải dệt nhuộm sẽ được bơm từ bể chứa nước thải vào bể keo tụ. PGα21Ca sẽ được tự động đong với khối lượng xác định và tự động đổ vào bể khi nước đầy. Cánh khuấy sẽ khuếch tán hóa chất đều trong nước.

Sau khi cánh khuấy dừng, quá trình keo tụ tiếp tục diễn ra và các bông keo tụ sẽ lắng xuống đáy bể. Lượng nước thu được sau quá trình lắng được bơm qua bể chứa nước sau xử lý. Sau cùng, van điện từ sẽ tự động mở để xả phần cặn và các bông ở đáy bể vào bể chứa cặn, chuẩn bị cho lần xử lí tiếp theo. Toàn bộ quy trình này đều được xử lý tự động hóa.

mô hình xử lý nước thải dệt
Sơ đồ hoạt động của mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ

Nhóm đã tiến hành thử nghiệm với mẫu nước thải thu được từ nhà máy dệt Hòa Khánh (Đà Nẵng) do mẫu nước này có độ màu, độ pH và chất hữu cơ cao, kết quả mô hình được thử nghiệm thành công với những kết quả tương đối khả quan.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là đáp ứng được khả năng xử lý độ màu đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không cần phải trung hòa pH nước sau xử lý; mô hình có cấu tạo đơn giản, quản lý vận hành và bảo dưỡng dễ dàng; lượng hóa chất được châm vào vừa đủ để xử lý sau khi người sử dụng đã xác định nồng độ đầu vào… Mặt khác, mô hình góp phần đơn giản trong công tác giám sát và quản lý của nhân viên, trong việc vận hành và quản lý hệ thống xử lý nước thải tại các doanh nghiệp.

Với khả năng ứng dụng thực tiễn cao, trong tương lai nhóm sẽ thiết kế thêm hệ thống quan trắc nước sau xử lý cũng như nâng cấp bể phản ứng có thể tích lớn hơn để áp dụng cho các nhà máy dệt nhuộm. Hạn chế sự tiêu tốn ít năng lượng, đặc biệt có thể cải tiến sử dụng năng lượng mặt trời và hướng tới mô hình có thể xử lý được cả chất hữu cơ.

Bùi Vân (Monre.gov.vn)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ