Mưa lớn còn diễn biến phức tạp, miền Trung tiếp tục căng mình chống lũ

Mai Thương|11/10/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mưa lớn còn kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày tới,mực nước tại các sông, suối trên địa bàn các tỉnh miền Trung dâng cao và chia cắt mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, ngày và đêm 10/10, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa 100-150mm, có nơi trên 300mm; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 100mm.

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế vẫn tiếp tục diễn ra và kéo dài trong những ngày tới. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Nước lũ dâng cao nhấn chìm nhiều làng mạc, đường phố miền Trung

Sáng 10/10, lũ trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) dao động ở mức cao, sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh), các sông ở Thừa Thiên-Huế như sông Bồ, sông Hương xuống dần, sông Vu Gia-Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) lên chậm. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đề phòng lũ trên các sông có khả năng lên lại.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.

Trong Công điện có nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ;

Tập trung một số nhiệm vụ sau: Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng.

Mai Thương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa lớn còn diễn biến phức tạp, miền Trung tiếp tục căng mình chống lũ