Mưa lớn tại nhiều khu vực cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Minh Ngân|23/10/2021 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong ngày và đêm ngày 23/10, ở khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua (22/10), ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa to đến rất to (lượng mưa tính từ 19h ngày 22/10 đến 03h ngày 23/10) như: Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 299.4mm, Lộc Thủy (Thừa Thiên Huế) 296.4mm, Hà Lam (Quảng Nam) 452.8mm, Bình Phú (Quảng Nam) 275.4mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 193mm, Nhơn Hưng (Bình Định) 199mm,…

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên từ sáng sớm nay (23/10) đến ngày 25/10 ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên xảy ra mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến ở:

– Thừa Thiên Huế đến Bình Định 200-400mm, có nơi trên 450mm.
– Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Ngoài ra, trong ngày và đêm hôm nay (23/10), ở khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Để chủ động đối phó với mưa, lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực Quảng Bình đến Bình Định, các Bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:

– Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh

– Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại những nơi có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ.

– Rà soát các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

– Tổ chức lực lượng canh gác các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; đảm bảo giao thông thông suốt

– Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Minh Ngân

Bài liên quan
  • 10 thảm họa liên quan khí hậu xảy ra gần đây NHẤT
    Moitruong.net.vn – Từ hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng cùng những trận lũ lụt lịch sử xảy ra trong mùa hè, cho tới các đợt sương giá bất thường và những “cơn bão châu chấu” phá hủy mùa màng, một số chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá thời tiết trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa lớn tại nhiều khu vực cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất