Mưa nắng thất thường tăng nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Phương Hiền (T/h)|29/05/2019 05:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết mưa, nắng thất thường trong những tuần gần đây khiến số ca sốt xuất huyết tại các địa phương trong cả nước tăng đột biến.

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh trong tuần qua, Sở Y tế Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong tuần ghi nhận 83 trường hợp. Từ đầu năm đến nay có 326 trường hợp, hiện 261 trường hợp đã khỏi, chỉ còn 65 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong tuần vừa qua, hầu hết các dịch bệnh trên địa bàn thành phố đều giảm so với các tuần trước đó, tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết lại có xu hướng gia tăng vì theo chu kỳ, dịch bệnh này thường tăng vào các tháng mùa Hè do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh này các quận, huyện, thị xã cần tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh.

Mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi bùng phát nhiều dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết

Còn tại các tỉnh phía Nam ghi nhận 9 ca tử vong. Theo thống kế từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 45.600 trường hợp mắc SXH, trong đó có 11 ca tử vong và nhiều ca bị biến chứng nặng. Trong đó có 9 trường hợp tử vong đều ở các tỉnh phía Nam như: TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, và tỉnh Nam Trung bộ là Khánh Hòa, Bình Định.

Tại TP HCM, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 10.000 ca mắc SXH phải nhập viện. Trong những tháng 7, 8, 9 số ca tăng mạnh so với cùng kỳ tháng trước, mỗi tuần có gần 600 ca mắc SXH. Tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, số ca mắc bệnh tiếp nhận đã tăng lên gấp đôi. Một số bệnh nhi đã rơi vào tình trạng sốc do diễn tiến nhanh của bệnh.

Tương tự, tại Đồng Nai ghi nhận có gần 3.000 ca mắc SXH. Ngày 8/9 vừa qua, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do SXH. Như vậy, chỉ cách hơn 1 tháng, tại Biên Hòa đã có 2 trường hợp tử vong do SXH. Bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) cho biết, 2 ca tử vong trên do người bệnh chủ quan, không đi thăm khám sớm.

Trước đó, bệnh nhân nữ 30 tuổi, ngụ phường Bình Đa (TP Biên Hòa) bị sốt 4 ngày ở nhà nhưng không nhập viện mà đi điều trị bên ngoài. Khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nặng. Khoảng một giờ sau, bệnh tiến triển nặng nên bệnh nhân được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực nhưng do bệnh quá nặng nên sau 7 giờ nhập viện bệnh nhân đã tử vong.

Tại TP Cần Thơ dù chưa có trường hợp tử vong nhưng đã có hơn 600 ca mắc bệnh SXH, trong đó số ca mắc chủ yếu vào tháng 7 (140 ca) và tháng 8 (143 ca), tăng hơn cùng kỳ năm 2017 là 19 ca.

Theo các chuyên gia, thời tiết mưa nắng bất thường đang diễn ra tại khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL chính là môi trường thuận lợi cho muỗi sản sinh, nguy cơ bùng phát dịch SXH. Các tỉnh, thành phố đang khẩn trương tổ chức phun hóa chất trên diện rộng ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch nhằm khống chế dịch lan rộng. Đáng lo ngại, so với các năm trước, phần lớn các ca SXH rơi vào các trẻ em dưới 6 tuổi thì năm nay tập trung vào lứa tuổi từ 10 – 15 và người lớn. Nhiều trường hợp mắc SXH đến 2 lần với các triệu chứng khác nhau. Khi gia đình bệnh nhân đưa đến muộn thì bệnh đã tiến triển nặng và xuất hiện biến chứng.

BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, dù số ca SXHcùng thời điểm thấp hơn năm 2017 là 24%, nhưng số ca mắc bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Dự báo, đỉnh của dịch bệnh có thể sẽ rơi vào tháng 10 và 11. “Bắt đầu vào chu kỳ cuối mùa mưa, hiện tượng mưa nắng bất thường là cao điểm của bệnh SXH, do nước ứ đọng nhiều nơi, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển. Trong khi đó, người dân còn khá chủ quan, không nghĩ rằng mình vô tình nuôi muỗi trong nhà, trong các vật dụng chứa nước trong và xung quanh nhà…”, BS. Dũng lý giải.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè theo chỉ đạo của Bộ Y tế và chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết. Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố kiểm tra công tác tiêm chủng phòng bệnh và công tác chủ động phòng chống bệnh sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn quận Tây Hồ.

Các đơn vị tăng cường công tác tiêm chủng phòng các bệnh có vắc xin, tổ chức giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh và tiến hành vệ sinh môi trường để chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần đã tiến hành giám sát 47 lượt tại các đơn vị, cộng dồn từ đầu năm đã giám sát 360 lượt. Kết quả cho thấy tại một số khu vực trọng điểm về bệnh sốt xuất huyết đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ (BI ≥ 20) như tại Minh Khai (Bắc Từ Liêm); Trung Tự, Phương Liên (Đống Đa); Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Cự Khê (Thanh Oai), Tiền Phong (Mê Linh), Tân Triều (Thanh Trì).

Sốt xuất huyết năm nay tập trung ở lứa tuổi 10 – 15 và người lớn

Trước thực trạng đó, BS. Dũng cũng khuyến cáo người dân nên chủ động dành 15 phút mỗi tuần để tìm diệt lăng quăng, dọn dẹp các vật dụng, các nơi có thể chứa nước, tránh không cho muỗi sinh sản và phát triển. Đặc biệt, khi phát hiện ổ dịch SXH người dân cần phối hợp với lực lượng y tế địa phương phun hoá chất diệt muỗi, phun hoá chất vào trong nhà để đảm bảo ổ dịch SXH được xử lý triệt để, không lan rộng.

Từ kết quả trên, Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt, xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”

Phương Hiền (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa nắng thất thường tăng nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết