Năm 2020, đưa toàn dân tham gia Chính phủ điện tử

Minh Anh|13/02/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm 2020 ngoài việc tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu bộ, ngành, tỉnh thì rất cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho chính phủ điện tử.

Tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử diễn ra ngày 12.2,đại diện Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) báo cáo hiện đã có 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỉ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.

Do đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong việc tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa Covid-19, nếu làm tốt chính phủ điện tử cũng là một trong những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh này. Bởi hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã ứng dụng chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Theo Thủ tướng, xây dựng chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch Covid-19. “Chúng ta phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động” – Thủ tướng yêu cầu.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong năm 2019, công tác cải cách hành chính gắn với Chính phủ điện tử đã phát huy hiệu quả. Các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được rà soát và cắt giảm, tiết kiệm được 6.300 tỉ đồng. Chính phủ cũng tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ chế một cửa và một cửa liên thông phát huy hiệu quả. Đã triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia liên thông văn bản. Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ấn nút khai trương có hơn 945.000 hồ sơ đã được giải quyết qua đây.

Hiện 100% bộ, ngành địa phương đã cam kết đồng hành cùng Chính phủ tích hợp dịch vụ công quốc gia tiêu biểu như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y Tế, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Theo ông Mai Tiến Dũng, triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ công mà qua đây đã nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng vặt. Chính phủ đang hướng đến Chính phủ không giấy tờ nên đã triển khai trục liên thông văn vản quốc gia.

Trong năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nghị định thay thế về công tác văn thư, nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Đây cũng là năm chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.

Với yêu cầu hoàn thiện các yếu tố nền tảng của chính phủ điện tử, Thủ tướng nhấn mạnh ba mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Về con người vận hành, tham gia vào chính phủ điện tử, Thủ tướng nhấn mạnh: “Dù là CSGT hay tổng cục trưởng, vụ trưởng…, người đứng đầu nói chung cũng phải am hiểu và triển khai chính phủ điện tử”.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, đưa toàn dân tham gia Chính phủ điện tử