Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất lịch sử

Minh Châu (t/h)|03/12/2020 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 – 10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850-1900. Theo đó, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019, tính từ năm 1850.

Năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão. Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển. Các năm nắng nóng trên Trái Đất thường có liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, năm nay lại trùng với thời điểm hiện tượng La Nina mạnh lên.

Ảnh minh họa

Dự kiến, WMO sẽ công bố báo cáo xác nhận dữ liệu trên vào tháng 3/2021. Cũng trong báo cáo công bố ngày 2/12, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khẳng định biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các di sản thiên nhiên của thế giới được Liên hợp quốc công nhận như sông băng, rạn san hô, vùng đầm lầy.

Theo báo cáo, IUCN cho biết những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra hiện đe dọa đến hơn 30% trong tổng số 252 di sản thiên nhiên được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trên thế giới. Nhiệt độ tăng lên kèm theo vô số thảm họa khí hậu, bao gồm băng tan nhanh ở Greenland và Nam Cực, tàn phá các trận cháy rừng từ Úc đến California và các cơn bão và sóng nhiệt dữ dội, thường xuyên hơn .

Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Năm 2015, các quốc gia đã ký Thỏa thuận chung Paris về hạn chế khí thải, nỗ lực ngăn chặn nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhưng mục tiêu đó đến nay vẫn còn là một điều xa vời.

Ngày 2/12, Đài quan sát địa vật lý miền Trung Ukraine cho biết Kiev đã trải qua mùa Thu ấm nhất trong lịch sử gần 140 năm. Nền nhiệt độ trung bình trong mùa Thu (kết thúc ngày 30/11) đã tăng lên 11,6 độ C, cao hơn 3,6 độ C so với mức thông thường. Đây là mùa Thu Kiev ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1881.

Ngày 30/11 vừa qua là ngày lạnh nhất vào mùa Thu tại Kiev khi nhiệt độ vào buổi sáng xuống -3,8 độ C. Ngày 1/9 trở thành ngày ấm nhất trong mùa Thu và cũng là ngày nóng nhất trong cả năm tại Ukraine khi ghi nhận nhiệt độ lên tới 34,7 độ C.

Ukraine đã hứng chịu nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát. Trong tháng 4 năm nay, cháy rừng đã thiêu rụi 66.000 ha tại khu vực rừng bỏ hoang gần Chernobyl ở miền Bắc Ukraine. Các nhà khoa học dự báo tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu.

Minh Châu (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất lịch sử