Năm 2022: Thiên tai được dự báo sẽ khắc nghiệt

Hoàng Anh|02/01/2022 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm 2021, thiên tai tại Việt Nam tuy không gây ra thiệt hại nặng nề như năm 2020 nhưng có thể đó là báo hiệu cho một năm thiên tai khắc nghiệt hơn trong năm 2022.

Thiên tai giảm kỷ lục ở Việt Nam

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục PCTT tổ chức ông Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, hiện tượng La Nina hiện đang còn duy trì đến hết mùa xuân 2022 và sau đó sẽ chuyển sang pha trung tính và có thể chuyển tiếp sang pha nóng vào cuối năm 2022.

Báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2021, thiên tai trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt với khoảng 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản trong đó diễn ra ở nhiều nước phát triển, có cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn điển hình như siêu bão Ida đổ bộ vào miền đông nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD, trận lũ lịch sử ở Đức và Bỉ vào tháng 7 gây thiệt hại 43 tỷ USD, trận lũ lịch sử ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào tháng 7 với thiệt hại ước tính 17,6 tỷ USD, siêu bão Rai gây thiệt hại nặng nề cho Philippin… Trong đó tổng số người chết là hơn 16.000 người, thiệt hại hơn 105 tỷ USD.

Ảnh minh họa

So với năm 2020 thiên tai làm 357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng, thì năm 2021 là năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ở Việt Nam, cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình, trong đó 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, từ tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 04 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 06 đợt mưa lũ lớn diện rộng.

Siêu bão Rai mặc dù đã giảm cấp khi đi qua Philippines, nhưng khi vào Biển Đông thành cơn bão số 9 vẫn là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây có diễn biến phức tạp về hướng di chuyển, có cường độ mạnh trên biển Đông tác động tới khu vực có nhiều tàu cá đánh bắt trên biển, ven bờ và các hoạt động kinh tế khác.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, ước tính giá trị thiệt hại trên 5200 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn là một năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2020 với 357 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỷ đồng.

Thiên tai ngày càng khốc liệt và thường xuyên trên toàn cầu

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống Thiên tai nhận định: “Xã hội chúng ta có quy mô ngày càng lớn hơn, nhu cầu bảo vệ an toàn trước thiên tai ngày càng cao. Thiên tai ngày càng bất thường, cần theo kịp khoa học để ứng phó”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, năm 2021, thiên tai và bão gió ít đi nhưng thách thức nhiều hơn, tính chất vẫn phức tạp, hậu quả do thiên tai gây ra vẫn còn.

“Nhờ có tâm thế chủ động nên chúng ta đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt giảm thiểu chi phí cho xã hội để khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Đó cũng là kinh nghiệm để chúng ta triển khai trong những năm tiếp theo”, ông Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã và đang gây tổn thất rất lớn trên thế giới; nhiều quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ và năng lực phòng chống thiên tai song vẫn bị thiệt hại rất nặng nề.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 ở các nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Các thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất… vượt lịch sử có nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước.

“Đó là thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng chống thiên tai nói riêng, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Cũng nhận định năm 2022 được dự báo sẽ có tình huống thiên tai khó lường hơn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng cục Phòng, chống thiên tai cần tập trung vào 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó, khắc phục.

Từng giai đoạn cần chuyên nghiệp hóa hơn để trở thành quy trình của công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, từ thực tiễn phòng chống thiên tai, Tổng cục cần chủ động công tác tham mưu để cả hệ thống chính trị bắt buộc phải vào cuộc. Đồng thời cần tập trung nhiều hơn việc áp dụng khoa học công nghệ, số hóa, tự động hóa trong điều hành phòng chống thiên tai.

Dự và chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2021, Việt Nam phải đương đầu với 9 cơn bão. Tuy không gây ra thiệt hại nặng nề như năm 2020 nhưng có thể đó là báo hiệu cho một năm thiên tai khắc nghiệt hơn trong năm 2022.

“Chúng ta cần chủ động, cần nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai của cộng đồng. Những người làm công tác phòng chống thiên tai cần có lòng trắc ẩn vì mỗi cơn lũ dữ đến lại làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị, từ những “điểm đen”, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, các nhà khoa học, bằng khoa học công nghệ, cần phải xâu chuỗi những thông tin, số liệu qua từng năm để đưa ra những cảnh báo, dự báo biện pháp để chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan dự báo, ứng phó… cùng với sự hỗ trợ từ nguồn lực của các đối tác quốc tế, qua đó cải thiện công tác phòng chống thiên tai.

Hoàng Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022: Thiên tai được dự báo sẽ khắc nghiệt