Năm 2030: Việt Nam có thể bị thiệt hại từ 3- 5% GDP do thiên tai

Võ Tùng (t/h)|14/10/2018 04:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Triều cường gây ngập nặng thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Kinh tế Sài Gòn)

MOITRUONG.NET.VNNgày 12/10, tại lễ “Mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2018 và hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp” diễn tại Cần Thơ, bà Akiko Fujii, Phó trưởng Ban giảm thiểu rủi ro tăng cường chống chịu thiên tai kiêm Phó giám đốc quốc gia chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, gây thiệt hại hơn 1% GDP và có thể tăng từ 3-5% GDP vào năm 2030.

>>>Đẩy mạnh xử lý rác thải rắn nông thôn ở Điện Biên

>>>Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng

Theo bà Akiko Fujii, kể từ những năm 1970, tại Việt Nam, mỗi năm thiên tai đã làm trên 500 chết và thiệt hại về kinh tế chiếm trên 1,5% GDP. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam vào năm 2030 có thể lên đến 3-5% GDP.

Đưa ra thêm dẫn chứng, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, đã xuất hiện những trận mưa lịch sử gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.356 tỉ đồng.

Dẫn báo cáo về đóng góp quốc gia tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, ông Sơn nhấn mạnh rằng thiệt hại do thiên tai vào năm 2030 có thể lên đến 3-5% GDP cả nước. Hiện nhiều vùng sản xuất nông nghiệp nếu không được thiết kế khung chống chịu tốt với thiên tai, thì khả năng thiệt hại về kinh tế của Việt Nam sẽ còn tăng thêm.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ đầu mùa lũ 2018 đến nay, đã có 1.548ha lúa ở ĐBSCL bị mất trắng. Trong đó, tình trạng sạt lở lan nhanh. Đặt biệt, trong những ngày gần đây do ảnh hưởng từ lũ đầu nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước cao nhất đo được tại Mỹ Thuận là 2,07m, Cần Thơ 2,23m… đều vượt số liệu lịch sử 40 năm qua (1977-2017), gây ngập cho nhiều vùng tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.

Theo bà Akiko Fujii, dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về ứng phó với thiên tai, song vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm thiệt hại về người và kinh tế. Trong đó, cần phải lập kế hoạch thông tin về rủi ro ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều cơ quan. “Điều quan trọng là từng cá nhân, bộ, ngành của khối nhà nước và tư nhân đều phải có hành động cụ thể”, bà gợi ý.

Bà Akiko Fujii cho biết trong giai đoạn 2016-2018, Liên hiệp quốc đã hỗ trợ 8 triệu đô la Mỹ cho hơn nửa triệu người dân Việt Nam để giải quyết các vấn đề thiết yếu của cuộc sống như nước, môi trường, y tế, lương thực, nơi ở… do thiên tai gây ra.

Ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan, cho rằng trong 30, 50 hoặc 100 năm nữa, một phần của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị chìm trong nước biển và đây là lý do khiến cho các doanh nghiệp quan ngại khi muốn đến đầu tư.

“Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, Hà Lan đã tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là ở ĐBSCL”, ông Laurent Umans cam kết.

Võ Tùng (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2030: Việt Nam có thể bị thiệt hại từ 3- 5% GDP do thiên tai