Nam Định: Đê biển nứt, lún nhiều năm chưa được khắc phục

An Nhiên (T/h)|30/03/2019 09:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tuyến đê biển đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Phúc Nghĩa Hưng, Nam Định xảy ra tình trạng lún, nứt mặt đê đã vài năm nay. Nhưng hiện trạng này vẫn chưa được khắc phục; thậm chí nghiêm trọng hơn. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Đắp vội gây lún đê

Cuối năm 2014, tuyến đê biển tỉnh Nam Định, đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), trên một đoạn dài hơn 1km xuất hiện nhiều điểm mặt đê bị dập, vết dập rộng tới cả mét, kéo dài tới cả chục mét. Đặc biệt, cũng tại đây, mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt, có vết nứt rộng từ 2-4 cm, khá sâu, chạy ngoằn nghèo, kéo dài đến mấy chục mét. Nhiều điểm khác tuy không bị dập, nứt nhưng mặt đê nhìn nham nhở, trơ đá. Có nhiều điểm dùng đá cào nhẹ bê tông phủ mặt đê “mủn” ra, sâu cả cm.

Khi đó, lý giải nguyên nhân, ông Bùi Sỹ Sơn- Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Định (sau đó ông Sơn làm Quyền Giám đốc Sở, hiện đã nghỉ hưu) cho biết: Vào năm 2005, cơn bão số 7 đổ bộ đã làm tuyến đê biển qua địa bàn xã Nghĩa Phúc nói trên bị vỡ nhiều đoạn. Tại thời điểm đó, tỉnh Nam Định đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện khẩn cấp việc hàn khẩu đê.

Đê biển, đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng, Nam Định) tiếp tục bị nứt, lún nghiêm trọng

Cũng theo ông Sơn, để hàn khẩu đê, nhiều doanh nghiệp đã được tỉnh huy động, chỉ định thầu thực hiện. Trong tình thế cấp bách, các đơn vị tham gia hàn khẩu phải huy động cả đất, cát tại chỗ để đắp đê, độ chắc của thân đê do vậy không đảm bảo. Sau khi việc hàn khẩu, bê tông hóa mặt, thân đê hoàn thành, tỉnh tiếp tục triển khai việc xây dựng các mỏ kè chắn sóng dưới chân đê. Do không có đường thi công nên trong quá trình thi công các mỏ kè, mặt đê được nhà thầu (doanh nghiệp Xuân Khiêm, có trụ sở tại Ninh Bình) sử dụng làm đường thi công.

Theo đó, nhiều máy móc, phương tiện và toàn bộ số cấu kiện bê tông (mỗi cấu kiện nặng 3,5 tấn) đều được vận chuyển qua đường đê. Đây là 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc mặt đê tại đây bị nứt, lún…

Còn ông Bùi Văn Thức- Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (thuộc Sở NNPTNT Nam Định) cho biết chủ đầu tư đã thống nhất phương án khắc phục sự cố. Theo đó, những điểm mặt đê bị lún, nứt sẽ được dỡ ra, đổ bê – tông, phủ thêm một lớp áp-phan. Tổng kinh phí khắc phục khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, một phần do nhà thầu Xuân Khiêm – đơn vị thi công mỏ kè tại đây, gây lún nứt mặt đê- chi trả, một phần lấy từ nguồn kinh phí thực hiện dự án làm mỏ kè, phần dành để làm đường thi công. Tuy nhiên, theo ông Thức, việc khắc phục sự cố trên chưa thể thực hiện ngay vì lúc đó (cuối năm 2014) doanh nghiệp Xuân Khiêm vẫn chưa thi công xong một số mỏ kè tại đây vì thiếu kinh phí…

Càng mở rộng càng gây lún, nứt đê

Sự cố nứt, lún mặt đê tại đây, xảy ra từ nhiều năm trước chưa hề được khắc phục. Không những thế, tình trạng nứt, lún còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Cụ thể, các vết nứt từ 3-4 phân nay “há” rộng thêm, nhiều đoạn rộng từ 10-25 phân; các đoạn bị nứt cũng dài hơn, có đoạn dài hơn 200m, có đoạn dài gần 400m. Không chỉ có vậy, mặt đê phía trong bị lún thấp xuống so với mặt đê phía ngoài biển cả chục phân, nghiêng hẳn về phía trong đồng; tạo thành một chiếc “gờ” nhọn chạy ngoằn nghèo, kéo dài trên mặt đê.

Bên trên các vết nứt, lún được phủ một lớp vải mỏng, nhiều chỗ đã bị rách, trơ ra vết nứt. Khác với thời điểm năm 2014, hiện tại, ngay dưới chân đê biển, đoạn đang bị nứt, lún.

Ông Đặng Ngọc Thắng- quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nam Định; Nguyễn Văn Nhiễm- Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường trục (thuộc Sở GTVT tỉnh Nam Định) đều xác nhận tình trạng đê biển đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Phúc đang tiếp tục bị nứt, lún là có thật. Ông Đặng Ngọc Thắng và ông Nguyễn Văn Nhiễm cũng cho biết nguyên nhân mặt đê tiếp tục bị nứt, lún mạnh hơn là do ảnh hưởng từ quá trình thi công tuyến đường trục.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiễm, tuyến đê và tuyến đường đều đi qua khu vực nền yếu. Trong quá trình thi công tuyến đường trục, theo thiết kế, nhà thầu (Công ty CP Tập đoàn Xuân Trường-Nam Định) phải xử lý nền đất yếu bằng cách đào hữu cơ, đóng cọc cát, đắp nền gia tải. Sau khi đắp hoàn trả và thi công cọc cát nền đường bắt đầu quá trình lún do cố kết, kéo theo phần thân đê phía trong đồng bị lún theo, làm các vết nứt cũ trên mặt đê mở rộng thêm và xuất hiện một số vết nứt mới…

Về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Văn Nhiễm cho hay, Ban Quản lý dự án đường trục yêu cầu nhà thầu Xuân Trường đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xử lý nền và đắp gia tải đường trước ngày 1/4/2019; không để nước thâm nhập vào thân đê; cấm các phương tiện vận tải lưu thông trên mặt đê. Sau khi quá trình gia tải và độ lún nền đường ổn định sẽ tiến hành đánh giá lại hiện trạng đê, từ đó mới có phương án hoàn trả.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đường trục tỉnh Nam Định đã ký hợp đồng bảo hiểm với Liên danh Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và TCT Bảo hiểm PVI về việc bảo hiểm xây dựng công trình đoạn Km 22-Km 23+300 và Km 36+400-Km 46 (thuộc tuyến đường trục, liền kề với đoạn đê biển qua địa bàn xã Nghĩa Phúc đang bị nứt, lún), bao gồm bảo hiểm rủi ro trong xây dựng, lắp đặt và trách nhiệm với bên thứ ba. Mới đây, Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định (đơn vị quản lý tuyến đê biển huyện Nghĩa Hưng, bên thứ ba trong hợp đồng bảo hiểm) đã có văn bản gửi các bên liên quan, khiếu nại chính thức về sự kiện bảo hiểm tuyến đường trục nói trên.

An Nhiên (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Đê biển nứt, lún nhiều năm chưa được khắc phục