Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Minh An (T/h)|20/10/2019 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam đầu năm 2019 giảm cả về lượng, giá và kim ngạch so cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, giá trị XK gạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước lân cận. Các giống lúa thơm, đặc sản chủ lực của Việt Nam cho XK tập trung ở nhóm giống Jasmine 85, tuy nhiên chất lượng gạo không ổn định do chất lượng nguồn giống và đặc điểm mùa vụ nên khó có khả năng cạnh tranh với các giống lúa mùa thơm, đặc sản của Thái Lan hay Campuchia.

Một trong những nguyên nhân khiến khối lượng gạo xuất khẩu đầu năm 2019 đến nay giảm là do Trung Quốc – vốn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam từ nhiều năm qua hiện đã giảm mua gạo từ nước ta. Theo đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm tới 75,4% về lượng và giảm 75,2% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm 6,3%, đạt 499 USD/tấn.

Ảnh minh họa

Cùng lúc, Trung Quốc cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với gạo nhập khẩu và có những quy định giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu khắt khe hơn với hàng loạt các yêu cầu mới được đưa ra như: yêu cầu về nguyên liệu an toàn; yêu cầu đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; khai báo rõ ràng về xuất xứ vùng trồng; thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc… Trước những quy định đó, hiện chỉ có 21 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Để tìm lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu gạo, chúng ta sẽ phải cơ cấu lại ngành hàng này. “Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định, đến năm 2020, sẽ có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, con số này đến năm 2030 là 50%, trong đó có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo đặc sản.

Còn như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á với tỷ trọng chiếm tới 60%, châu Phi là 22%. Trong khi đó, châu Mỹ mới chỉ chiếm 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%. Mục tiêu đến năm 2030, thay đổi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường như sau: châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%… đòi hỏi phải có sự chuyển mình đồng bộ của một ngành vốn là mũi nhọn trong xuất khẩu nông sản.

Để tăng chất lượng cho hạt gạo Việt Nam, đưa gạo Việt đến được những thị trường khó tính đòi hỏi phải cơ cấu lại toàn bộ ngành hàng này, trong đó quan trọng nhất là xác định được các loại giống chủ lực cho xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận. Bởi lẽ, một trong những điểm yếu của ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay là nông dân sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp nên khó tạo ra lượng gạo đồng đều về chất lượng và giá trị.

Công nghệ cao hiện là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp khi đất đai, lao động và một phần chính sách đã phát huy hết hiệu lực. Trong lĩnh vực lúa gạo, chuỗi giá trị lúa gạo thế giới đã mở rộng, phát triển và liên kết sâu với các ngành công nghiệp khác để hình thành những ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng rất cao. Các sản phẩm phụ sau thu hoạch đã và đang được khai thác tối đa. Đặc biệt, với cám gạo, sau quá trình trích ly dầu cho ra những thành phẩm làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác. Việc mở rộng chuỗi giá trị sau lúa gạo, tức là chế biến càng sâu sẽ đòi hỏi hàm lượng chất xám và công nghệ cao, nhưng bù lại giá trị sẽ cao hơn rất nhiều lần. Đơn cử, 1kg tinh chất Oryzanol (được tinh chế từ cám gạo) dùng trong ngành dược phẩm có giá trị lên đến 600USD”.

Ngoài chất lượng, còn nhiều yếu tố khác tác động đến giá trị hạt gạo trên thị trường như: thương hiệu (uy tín của doanh nghiệp), quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc…Theo Tến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để nâng cao hơn nữa giá trị của hạt gạo Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần  hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường; duy trì sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, dù thị phần không lớn nhưng có giá trị kinh tế cao…

Minh An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam