Nắng nóng kỷ lục kéo dài, gần 26.000 ha diện tích nông nghệp ở khu vực Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng

Mai An|24/07/2020 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nắng nóng khốc liệt, hạn hán gay gắt, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh tế và đời sống của người dân. Trong đó, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ chịu hậu quả nặng nề.

Tại hội nghị ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai tại Bắc Trung Bộ, tổ chức ở Nghệ An sáng 22/7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng 2020 là “năm thời tiết dị thường”. Từ sáng mùng 1 Tết Canh Tý, 7 tỉnh phía Bắc đã có mưa đá, toàn quốc đến nay đã xảy ra gần 100 đợt thời tiết dị thường (mưa đá, gió lốc, lũ quét…), gấp đôi bình quân cùng kỳ hàng năm.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm nay, tình hình thiên tai trên cả nước diễn biến phức tạp. Đặc biệt nắng nóng khốc liệt, hạn hán gay gắt, kéo dài, xâm nhập mặn gây hậu quả nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh tế và đời sống của người dân. Trong đó, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ chịu hậu quả nặng nề.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, năm 2020 Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn. Nghệ An là tỉnh dân diện tích lớn, dân số đông, hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng hồ đập lớn nhất cả nước, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như hạn hán, nắng nóng, lũ lụt.

Theo ông Quý, nếu không mưa trong 1 tuần nữa, khả năng hạn hán trên diện rộng sẽ xảy ra. Sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn và tính mạng, của cải của người dân sẽ bị đe dọa.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 5 đến nay khu vực Bắc Trung Bộ đã xảy ra 6 đợt nắng nóng, đợt kéo dài nhất 14 ngày, nhiệt độ thấp nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38 đến 40 độ, có nơi trên 40 độ.

Hàng trăm ha lúa tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang bị thiếu nước trầm trọng vì nắng nóng kéo dài.

Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến hiện tại. Một số nơi nhiệt độ cao nhất đã vươt giá trị lịch sử như: Đô Lương (Nghệ An): 41,2 độ; Tại Hà Tĩnh vào tháng 6/2019 là 41 độ.

Trong khi đó lượng mưa 6 tháng đầu năm 2020 đến nay phổ biến từ 200-500mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 5 và 6/2020 tổng lượng mưa thiếu hụt từ 50 đến 80 %. Một số nơi trong tháng 6 hầu như không có mưa như Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trong vụ sản xuất Hè Thu 2020, do nắng nóng gay gắt và lượng mưa thiếu hụt, dung tích trữ hồ chứa giảm nhanh, nhiều hồ nhỏ cạn nước. Hiện tại, dung tích trung bình các hồ chứa đạt 37% dung tích thiết kế, tuy nhiên phân bố không đều ở các địa phương.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, hạn hán, thiếu nước chỉ xảy ra cục bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thời điểm cao nhất có 178 ha cây trồng (chủ yếu là lúa) bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.

Vụ Hè Thu – Mùa 2020 diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là 25.970 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Thanh Hóa 9.000 ha, Nghệ An 11.000 ha, Quảng Trị 4.1400 ha.…

Thiếu nước, hạn hán đã ảnh hưởng đến nước sinh hoạt. Hiện có khoảng 46.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó: Thanh Hóa 2.600 hộ, Nghệ An 400 hộ, Quảng Trị 30.000 hộ… Đây là thời kỳ cao điểm khó khăn nhất về nguồn nước sinh hoạt tại khu vực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nguyên nhân hạn hán ở các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ là do không có mưa trong thời gian dài, dòng chảy bị suy kiệt từ 20-30%, nắng nóng, các hồ rất khó khăn về nước.

Ông Cường yêu cầu toàn vùng nghiên cứu kỹ để điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa; tập trung bơm cưỡng bức với tất cả các loại công suất để hỗ trợ cho được 26.000ha lúa bị hạn; áp dụng quy trình tưới luân phiên.

Về việc 46.000 hộ dân ở Bắc Trung Bộ thiếu nước sinh hoạt, ông Cường lưu ý các địa phương bằng mọi giá “không để một hộ dân nào không có nước dùng, phương án cuối cùng là phải chở nước đến cho dân”.

Theo Bộ trưởng Cường, 3 biện pháp lâu dài đối với vùng Bắc Trung Bộ là tổng rà soát cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản; bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng và giảm diện tích lúa ở những vùng bấp bênh, cơ cấu lại ngành thủy sản phù hợp; quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp khu vực phía Tây.

Về tình hình mưa lũ sắp tới, ông Cường lưu ý từng địa phương phải chủ động các phương án bởi đây là vùng có nhiều hồ đập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, Bắc Trung Bộ nắng nóng quá lâu nên khi gặp mưa sẽ dễ xảy ra sạt lở đất.

Mai An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng kỷ lục kéo dài, gần 26.000 ha diện tích nông nghệp ở khu vực Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng