Nên cắt giảm 30-50% chương trình học phổ thông

12/06/2017 08:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nên cắt giảm từ 30 đến 50% nội dung chương trình học phổ thông, để các cháu có thời gian phát-triển-con-người. Những kiến thức toán lý cấp độ như trên chỉ nên dành cho/bắt buộc các cháu sẽ đi theo nghề tự nhiên, học mà thôi.

Nên cắt giảm 30-50% chương trình học phổ thông

Nhiều người đang hiến kế cho ngành giáo dục. Nhiều ý kiến hay và vĩ mô, liên quan đến biên chế giáo viên chẳng hạn. Tôi không tường lắm những lẽ vĩ mô, nên không dám bàn, chỉ thấy vài việc nhỏ: Đó là cần tránh những đổi mới không cần thiết, mạnh dạn cắt giảm thật mạnh khối lượng nội dung cần học, tránh việc chạy đua theo những danh hão, kiến thức hão huyền, vô bổ, kéo theo những hệ lụy trầm kha như chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan…

Thật thế, đã gọi là chương trình phổ thông thì chỉ cần học, chỉ cần biết những thứ đơn giản và có ích cho cuộc sống sau này. Những thứ khác khi ra đời có thể tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm theo nhu cầu. Như kiến thức tích phân, đạo hàm, quy tắc bàn tay phải… học sinh phải học ra rả, mất thời gian trong khi ra đời lại không dùng đến.

Chương trình giáo dục phổ thông đang bắt trẻ em học đủ thứ, nếu học được hết những thứ đó, để đúng là giỏi toàn diện “chín phẩy, mười phẩy” thì học sinh còn đâu thời gian suy nghĩ, thực hành những văn, thể, mỹ? Nhớ hết những thứ chả-bao-giờ-dùng-đến ấy, thành biết tuốt vô bổ thì thời gian đâu chơi thể thao, thăm bảo tàng, đi du lịch, giao tiếp với xã hội?

Học nhiều thế chỉ để tự hào với “bạn bè quốc tế”, thi thố được giải nọ, giải kia (những cái này có lẽ học sinh Việt Nam đánh bạt học sinh các nước giàu, mạnh hơn rồi). Học như thế chả khác gì kiểu “tầm chương trích cú” của các cụ ngày xưa.

Nên cắt giảm từ 30 đến 50% nội dung chương trình học phổ thông, để các cháu có thời gian phát-triển-con-người. Những kiến thức toán lý cấp độ như trên chỉ nên dành cho/bắt buộc các cháu sẽ đi theo nghề tự nhiên, học mà thôi.

Cứ sợ phân ban, phân luồng rồi học lệch. Vậy học lệch thì sao? Nếu học lệch có nghĩa là, tôi theo nghề kỹ thuật, thì không biết rằng vở kịch Thành Mưa Tiểu Hôm Đó là của nhà thơ Nữ Thấp, quê tỉnh Sơn Bắc viết.

Và tôi theo nghề xã hội cũng sẽ không biết rằng, quy tắc xác định chiều dòng điện cảm ứng trong một dây dẫn chuyển động trong một từ trường là nắm bàn tay phải rồi đặt sao cho bốn ngón tay hướng theo chiều dòng điện chạy qua các vòng dây thì ngón cái choãi ra chỉ chiều của đường sức từ trong lòng ống dây?

Và khi cái đầu các em không thể nhét được hết, thế thì khi thi không quay cóp, liệu có làm được chăng? Giáo viên thương học sinh, ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ qua cho sự dối trá đó. Không ngăn cấm thì là bao che cho sự dối trá, còn ngăn cấm thì một ngày có đến 48 giờ đâu đủ cho các em học gạo?

Một việc nữa là chỉ nên cải cách, thay đổi những gì bất cập, những gì chưa đúng. Đừng cải cách chỉ vì cải cách, thay đổi vị thay đổi.

Thật buồn cười khi bao nhiêu năm gọi đúng là ô-xít đồng thì lại cải cách là đồng ô-xít, vì thấy trong tiếng Tây trật tự từ như vậy. Quá sai. Tiếng Việt, danh từ đứng trước tính từ (định ngữ của danh từ đó).

Cải cách giáo dục đặt ra những tên gọi ngô nghê, lai căng: đồng ô-xít, sun-phu-ric a-xít, trong khi phải là ô-xít đồng và a-xít sun-phu-ric. Tôi ra chợ mua con trắng ngựa về để đưa nàng về dinh, lại mua nhầm phải con ô ngựa, nên có bài lý ô ngựa.

Bao năm viết “hóa” với dấu sắc trên đầu chữ “o”, cân đối, đối xứng, đẹp, một số vị lại đánh trên đầu chữ “a” với lý do là “ho-á” nghe gần với “hóa” hơn là “hó-a”.

Vì vậy, một giải pháp quan trọng là cắt bớt 30-50% (hay nhiều hơn?) chương trình học hiện nay, cho các em học nhẹ nhàng hơn, có thời gian tìm hiểu về cuộc sống, xã hội, không trở thành những con gà công nghiệp.

Và cầu giảm đi, nên cung về việc học thêm cũng giảm. Các em có đủ thời gian để học thuộc bài, đề thi vừa tầm, thì còn mấy lý do nữa để đi học thêm? Giáo viên cũng khó ép, dù muốn.

Nếu muốn tìm hiểu, bất cứ ai cũng có thể tự tra cứu. Đào tạo ra những cá nhân tri thức đa khoa sẽ hết sức lãng phí. Lãng phí cho các em và gia đình, lãng phí cho toàn xã hội.

Tạ Quang Đông – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên cắt giảm 30-50% chương trình học phổ thông