Nét đẹp văn hóa làng quê trong những phiên chợ Tết

Thanh Tâm|03/02/2019 12:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người ta thường tìm về với những giá trị văn hoá cội nguồn tại làng quê để có thể được cảm nhận những hương vị quen thuộc, được hòa vào không khí ấm áp, náo nức cảm nhận âm hưởng của mùa Xuân trong những phiên chợ Tết.

>>> Chất thải nhựa ô nhiễm nhất hành tinh là đầu lọc thuốc lá.

>>> Động đất ập xuống Indonesia và Nhật Bản cùng 1 ngày

Nét đẹp văn hóa trong những phiên chợ Tết làng quê

Đặc trưng của những phiên chợ Tết tại các vùng quê

Tại các vùng quê, phiên chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo. Bắt đầu từ thời điểm này các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày Tết. Còn những đứa trẻ thì luôn phấn khởi, với chúng niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo.

Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người nông dân tự tay làm ra. Cũng có các tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp hơn với những sạp hàng cố định nhưng số đó không nhiều. Đôi khi họ quẩy hàng đi chợ Tết chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có khi lại là mấy cái rổ, cái rá tự đan bằng tre nứa, vài con gà mái… người dân cũng mang ra chợ bán và họ phải đi từ rất sớm để mong chọn cho mình một vị trí thuận lợi nhất. Họ bán thứ mình có và mua những thức mình cần, cứ như thế, người dân quê đi chợ đôi khi đóng vai cả người bán và người mua.

Ngoài ra, đi chợ tất niên ở các làng quê diễn ra sôi nổi, đôi khi thu hút sự tham gia của cả những người đi chợ không có nhu cầu với món hàng đó. Người bán chào mời, ra giá cho hàng hóa của mình, còn người mua dù đã ưng món hàng nhưng vẫn cứ cố chê ỏng chê eo, cầm lên, đặt xuống, ra chiều còn do dự lắm chỉ cốt sao mặc cả được giá hời nhất. Mặc cả dường như đã trở thành một việc không thể thiếu khi người Việt đi chợ! Dù vậy, không khí của cuộc mua bán ở chợ quê vẫn rất vui vẻ, ai cũng tươi cười, phấn khởi dù bán được hàng hay không. Bởi ở đó, hầu như mọi người quen biết nhau, thuận mua, vừa bán, không thì lần sau quay lại. Có thể nói, đây là những nét đẹp đặc trưng riêng biệt cho mỗi phiên chợ quê truyền thống mà ở chợ thành thị hầu như không có.

Đáng chú ý, nét đẹp văn hóa của những phiên chợ quê còn được nhà thơ Đoàn Văn Cừ khắc họa trong bài “Chợ quê” bằng những câu thơ ăm ắp sắc màu và hình ảnh mang không khí tưng bừng, phấn khởi của người đi chợ Tết và sự trù phú, phồn thịnh, tràn trề sức sống, hóm hỉnh của cảnh vật thôn quê:

“Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết

Con gà sống mào thâm như cục tiết

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”…

Hay:

“Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán

Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho đứng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”…

Có thể nói, Tết ở nông thôn phong vị bao giờ cũng đậm đà hơn ở thành phố, bởi lẽ làng xã là nơi ấp ủ và trao truyền qua biết bao thế hệ những tục đẹp thói hay, tạo thành văn hóa làng đầy tình nghĩa và rất mực nhân văn. Tết Nguyên đán, Tết lớn nhất trong năm của người Việt thì những nét đẹp đó được thể hiện rõ nét, dẫu mỗi làng quê, mỗi vùng miền có nét riêng. Đặc biệt, nét đẹp ấy đã được chứng minh qua “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ. Dù đã gần 1 thế kỷ trôi qua nhưng hình ảnh trong thơ ông luôn là nguồn tư liệu sống động về phiên chợ quê một thời của dân tộc. Để mỗi lần đọc “Chợ Tết” là một lần được sống lại với không khí Tết của cha ông ngày nào, thêm yêu, thêm tự hào về những nét văn hoá truyền thống của quê hương, của dân tộc.

Nhộn nhịp chợ Tết

Phiên chợ quê độc đáo giữa lòng Thủ đô

Ngay trước đình Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hàng năm cứ vào sáng 27 Tết lại diễn ra phiên chợ cuối năm. Chợ được họp trên vùng đất Nhân Mục xưa có tên nôm là Kẻ Mọc, tên chữ là Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Nhân Mục phát triển thành 2 xã là: Nhân Mục Cựu (gồm 2 thôn Thượng Đình và Hạ Đình) và Nhân Mục Môn (gồm các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất), nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tính đến nay “Chợ 27” đã có tuổi đời đã hơn một trăm năm, những năm về trước chợ là nơi tụ họp của 7 làng lân cận. Đây là phiên chợ duy nhất được tổ chức và được người Quan Nhân gọi là “Chợ 27”. Do đó, 27 Tết luôn là dịp để cho bà con vốn quanh năm chỉ biết cấy cày được mua sắm, trao đổi hàng hóa ngày Tết. Ngày xưa bà con cứ mang cả một quang gánh là có thể mua gạo nếp, lá dong, cá, đậu, thịt về là xong một cái Tết.

Được biết, hàng năm “chợ 27” thu hút hàng nghìn người dân tham dự, vừa mua – bán, vừa thưởng thức không khí cổ truyền, mộc mạc. Đặc biệt, khu chợ rất thu hút những đứa trẻ Hà Thành, đối với chúng phiên chợ mang đến một trải nghiệm và được tìm về cội nguồn, về truyền thống của làng quê.  Bởi chợ ở đây chẳng khác gì một phiên chợ quê ở nông thôn, đầy đủ các thức hàng đậm chất quê. Do đó, từ mọi ngả đường dẫn vào đình Quan Nhân luôn trở nên tấp nập và nhộp nhịp người mua, kẻ bán. Thậm chí, phiên chợ còn có cả những du khách nước ngoài, họ không chỉ đi chợ, đi sắm Tết mà còn đi hưởng cái không khí đón Tết rộn ràng chỉ có ở chợ Tết.

Đáng chú ý, Phiên chợ chỉ diễn ra trong buổi sáng và kéo dài khoảng 3 – 4 tiếng nhưng đối với người dân ở làng Mọc, đây là phiên chợ đặc biệt, mang Tết về với làng. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Đối với trẻ con thì đây là dịp để các em vốn sinh ra và lớn lên ở thành phố được tiếp xúc và hiểu hơn đến không gian của một phiên chợ truyền thống, nét văn hóa của dân tộc.

Ngoài ra, chợ 27 Tết làng Mọc từ xa xưa được coi là phiên chợ cổ truyền phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân trong vùng. Mặt hàng được bán ở chợ cũng đậm chất thôn quê, mộc mạc. Chủ yếu là nơi mua sắm rau quả, thịt, gạo, cùng các đồ dùng truyền thống cho các bà, các mẹ để chuẩn bị đón Tết.

Có thể thấy, dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay làm mới dần những nếp sinh hoạt nơi làng quê, thành thị. Thế nhưng những phiên chợ Tết, chợ Xuân vẫn rất “xưa” trong lòng mỗi người. Từ những phiên chợ này, nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người để từ đó hướng về cội nguồn với sự tri ân, biết ơn các thế hệ đi trước, để giữ gìn phong tục tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đồng thời giúp con người ta được sống trong những cung bậc trầm bổng của cuộc sống, những sắc màu, âm thanh tươi tắn, nhộn nhịp. Và hơn cả là tình thân thiện và sự lạc quan với niềm hy vọng về một năm mới tốt lành.

Thanh Tâm

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa làng quê trong những phiên chợ Tết