Ngập úng ở TP. Hồ Chí Minh (Bài 3): Đi tìm giải pháp căn cơ

Trúc Lam|18/06/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều năm qua, TP.HCM đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng. Bởi vậy, câu chuyện chống ngập tại TP Hồ Chí Minh đang đòi hỏi sự tiếp cận theo hướng căn cơ, hiệu quả hơn.

Ngập vẫn hoàn ngập

TP Hồ Chí Minh là thành phố ven biển, có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh nằm trọn trong lưu vực của 3 con sông lớn là sông Sài Gòn – Đồng Nai – Soài Rạp. Tình trạng ngập lụt chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của 3 con sông này. Bởi, vào thời điểm triều cường dâng cao, nhiều khu vực không có mưa vẫn xảy ra ngập vì cốt nền thấp hơn cả mực triều.

Vì thế mà trong những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đang phải căng mình chống ngập, triển khai hàng loạt công trình chống ngập như làm bờ bao, cống ngăn triều, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường… nhưng tình trạng ngập vẫn gia tăng sau mỗi cơn mưa. Thực tế, chỗ nào ngập vẫn hoàn ngập. Chống ngập rồi lại tái ngập, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.

Người dân TP HCM phải chịu cảnh triền miên cứ sau mỗi trận mưa lớn họ phải chống chọi với dòng nước đen ngòm, bẩn thỉu, hôi thối dù đang đi ngoài đường hay ở nhà.

Tình cảnh ngập xảy ra trên nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh mỗi khi mưa xuống và do tác động của thủy triều.

Nỗ lực tìm giải pháp hiệu quả

Rất nhiều các giải pháp như cải tạo kênh rạch, xây hồ chống ngập, lắp máy bơm khổng lồ hay nâng đường, xây cống, xây đê ngăn triều… nhưng hiệu quả thực sự vẫn chưa như mong đợi. Đáng lo ngại là trong tương lai gần, tình trạng ngập nước vẫn chưa thể giải quyết triệt để ở TP HCM.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp chống ngập của thành phố hiện chưa được đầu tư đồng bộ. Việc chống ngập theo từng tuyến đường là chưa hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực. Có một số khu vực nền đất bị lún so các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, vì vậy các dự án chống ngập có hiệu quả hay không trước tiên phải xem xét lại cấu trúc đường ống hệ thống đã đủ độ dốc chưa. Ðồng thời cần chú trọng đến việc quản lý, trong đó Công ty Thoát nước môi trường đô thị phải có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, không nên đổ lỗi cho những hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây đã lỗi thời.

Hiện nay, một trong những công trình được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả chống ngập trong năm nay là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), quy mô đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 cùng khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, giải pháp tổng thể chống ngập cho đô thị nói chung và TP HCM nói riêng phải bắt đầu bằng quy hoạch. Nếu việc quy hoạch đô thị, gồm các công trình như đường sá, nhà cửa, bê-tông hoá không kèm theo các tính toán ngăn ngập nước thì việc chống ngập luôn chạy theo các dự án trên. Như ở TP HCM, dù hàng trăm các dự án hạ tầng chung cư, cao ốc được cấp phép nhưng hầu như chủ đầu tư không chịu trách nhiệm và tác động bê-tông hoá đô thị mà công trình của mình gây ra.

Vì thế, nhiều sông ngòi kênh rạch tự nhiên bị lấn, lấp để xây nhà cửa, đô thị làm hẹp đi không gian thoát nước tự nhiên. Việc này tuy gián tiếp nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp gây ngập. Để chống ngập bền vững, thành phố cần nhất quán trong việc quy hoạch cũng như cấp phép các dự án đô thị, nhất là đô thị ven sông, kênh, rạch bởi cuối cùng, việc thoát nước sẽ không đạt hiệu quả tốt nếu hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị lấn, lấp.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc TP cần phải có một quy hoạch sao cho bảo tồn những vùng tự nhiên, ít tác động gây ra cho lưu vực bằng cách tích hợp các hệ thống xử lý với hệ tự nhiên sao cho đạt hiệu quả tốt nhất nhằm hạn chế lượng nước chảy tràn bề mặt và giảm thiểu ô nhiễm tích tụ. Muốn vậy, cần phải xem dải thảm thực vật, hồ cảnh quan, hồ điều tiết, bề mặt thấm, bể chứa nước mưa tạm thời… là những kết cấu kiến trúc hạ tầng không thể thiếu và ngay từ đầu phải đưa nó vào quy hoạch phát triển không gian đô thị.

Chung quanh thực trạng trên, TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị, cũng nêu quan điểm, TP Hồ Chí Minh cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Việc khôi phục các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ. “TP Hồ Chí Minh làm đường nhưng lại không làm cống trước, đây là lỗi từ quy hoạch, từ quản lý đô thị. Bên cạnh đó, một số cống được xây dựng nhưng công tác bảo trì không được thực hiện thường xuyên, khiến tình trạng tồn ứ rác quá nhiều, nước không thoát được”, TS Phạm Sanh nói.

Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đang đi theo chiều hướng cực đoan dẫn đến mưa nhiều hơn, triều cường ngày càng lên cao và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng.

Cho nên ngoài các biện pháp mang tính chiến lược lâu dài, thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường cũng góp phần giúp TP hạn chế được tình trạng mỗi khu phố là một con sông khi triều cường lên hay mưa lớn bất chợt.

Trúc Lam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngập úng ở TP. Hồ Chí Minh (Bài 3): Đi tìm giải pháp căn cơ