Ngày Xuân đến Cố đô Huế xem tranh làng Sình

Thanh Hải|15/02/2021 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tranh dân gian làng Sình là một địa chỉ rất nổi tiếng ở Cố đô Huế, phục vụ du khách tham quan quanh năm. Đặc biệt vào dịp Tết đến Xuân về, không khí vẽ tranh của người dân tại làng Sình càng thêm hối hả, tất bật hơn.

Làng tranh hơn 400 năm

Cách trung tâm TP. Huế chưa đầy 10 km về phía Đông, làng Sình còn có tên gọi khác là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Sử sách ghi lại tranh làng Sình xuất hiện cách đây đã hơn 400 năm, mang đậm nét đẹp truyền thống gắn với tĩn ngưỡng dân gian, văn hóa tâm linh của người dân Huế. Trải qua bao biến cố thăng trầm, ngày nay ngôi làng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách khi đến vùng đất Cố đô.

Khác với mục đích sử dụng nhưng về kỹ thuật và chất liệu, tranh làng Sình cũng có nguồn gốc tương tự tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống nổi tiếng ở miền Bắc. Người dân làng Sình cũng sử dụng giấy dó hoặc giấy mộc quét điệp để in tranh và nguyên liệu tự nhiên để tạo nên màu sắc.

Tranh làng Sình có bố cục không cầu kỳ nhưng rất sống động, sắc nét. Để có một bức tranh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh lên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn.

Tranh chỉ in thô bằng một bản màu đen rồi tô màu lên bức tranh. Do vậy nên mỗi tác phẩm sẽ không giống nhau. Điều quan trọng, để bức tranh có sức sống, có hốn thì người nghệ nhân phải toàn tâm, toàn ý trong lúc vẽ.

Xanh dương, vàng, đỏ, đen, lục là những gam màu chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình. Màu sắc tươi tắn cộng với đường nét và bố cục tự nhiên đã làm nên vẻ đẹp rất riêng cho dòng tranh dân gian xứ Huế. Mọi người cũng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi….

Để bức tranh có hồn thì người nghệ nhân phải toàn tâm, toàn ý trong lúc vẽ

Có khoảng 50 đề tài được thể hiện trong tranh làng sình, chia làm 3 chủ đề chính: Tranh nhân vật, đồ vật và súc vật, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Trong đó, tranh nhân vật gồm hai bộ thế mạng và bổn mạng, chủ yếu là tranh tượng bà (tượng đế, tượng chùa, tượng ngang) thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm. Ngoài ra, còn có tranh vẽ hình đàn ông, đàn bà, tranh ông Điệu, ông Đốc được treo trên xà nhà, gọi là trang bổn mạng, giúp giải hạn cho gia chủ; tranh tượng Bếp (tờ Bếp) là những bức tranh in hình 3 người ngồi trên trang bếp là bà Thổ Kỳ, hai ông Thổ Công, Thổ Địa; xung quanh là hình các khí dụng, vật phẩm, kẻ hầu người hạ. Bên cạnh đó, còn có các bộ tranh thờ thần để cầu an cho người dân như tiên sư, ông Điệu, ông Đốc, bà Thủy, tam vị Phạm Tinh… Tranh đồ vật chủ yếu vẽ hình áo quần, tiền, dụng cụ… để đốt cho người cõi âm. Tranh con vật gồm bộ gia súc, gia cầm và riêng một bộ 12 con giáp; là nét độc đáo mà những người làm nghề tranh ở làng Sình luôn hướng đến.

Tất bật cuối năm

Cuối năm là dịp lý tưởng nhất để tham quan làng Sình, bởi sau thời gian mùa nông nghiệp, các gia đình đang tất bật, hối hả làm tranh để đáp ứng nhu cầu của bà con trong thờ cúng dịp Tết Nguyên đán. Để làm được một bức tranh cần phải có bí kíp riêng của mỗi gia đình.

“Giai đoạn này là giai đoạn tất bật nhất trong năm. Nhà nhà khẩn trương để tranh thủ làm cho kịp hàng. Tranh thờ cúng là loại tranh được làm nhiều nhằm phục vụ vào các việc cúng ông Công ông Táo, cúng Giao thừa, tổ tiên theo tín người Việt”, bà Trần Thị Gái (65 tuổi) – một người làm tranh lâu năm chia sẻ.

Đặc biệt, nhiều em nhỏ còn đang đi học nhưng cũng tranh thủ thời gian nghỉ học sang tô màu thuê cho bà Gái, kiếm tiền mua quần áo mới. “Em học buổi sáng nên chiều và tối hay những ngày nghỉ học thì tranh thủ sang bà vẽ tranh, kiếm ngày ít tiền để mua sắm đồ Tết”, em Minh – học sinh trường THCS Phú Mậu cho biết.

Những người làm nghề cho biết, làm ra tranh tốn công sức vậy mà thu nhập lại không cao, nhưng vì muốn lưu giữ nét đẹp cổ truyền nên vẫn bám lấy nghề.

Năm nay 70 tuổi nhưng ông Kỳ Hữu Phước đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề tranh, và ông cũng là người góp phần lớn cho làng tranh sống lại. Sản phẩm của ông nổi tiếng trong làng và được trưng bày tại các hội chợ triển lãm tranh dân gian và các kỳ Festival Huế.

Mỗi bức tranh làm ra ông chỉ bán với giá từ 15 đến 25 nghìn đồng đối với tranh thờ cúng, 70 đến 90 nghìn đồng một bức tranh trang trí. Có người muốn trả gia cao hơn giá ông niêm yết, ông cũng không bán. ” Thu nhập cũng không thể làm giàu, chỉ tạm đủ sống mà thôi. Điều quan trọng vẫn là niềm vui, niềm tự hào bởi dù sao chúng tôi vẫn giữ được cái nghề cổ truyền của cha ông. Nay tôi cũng già rồi, không ai chú tâm theo nghề thì e rằng sớm muộn nghề sẽ mất…”, ông Phước tâm sự.

Cũng theo ông Phước, ở thời hoàng kim, trong làng đâu đâu cũng thấy không khí lao động rộn ràng, vui tươi, còn bây giờ, cứ sắp Tết mới cảm nhận rõ nhất sự tất bật, háo hức của các nghệ nhân làng Sình vẽ tranh bán Tết….

Ngày nay, làng Sình không chỉ là nơi mua tranh cúng Tết mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch tham quan và tự tay in tô màu tranh. Nhờ đó, những bức tranh làng Sình đã theo chân khách du lịch đi khắp nơi không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài.

Có như vậy cùng việc nỗ lực bảo tồn dòng tranh của các nghệ nhân quê hương mới mong tranh làng Sình không bị mai một; có vị trí xứng đáng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam bên cạnh các dòng tranh khác.

Thanh Hải

Bài liên quan
  • Hương vị bánh tét ngày xuân của người Nam Bộ
    Moitruong.net.vn  – Từ lâu, bánh tét đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực Nam Bộ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nếu như miền Bắc nổi tiếng có bánh chưng thì ở đất phương Nam lại nức tiếng với hương vị mộc mạc, dân dã của bánh tét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Xuân đến Cố đô Huế xem tranh làng Sình