Nghề cá sông Mê Kông trước nguy cơ ‘tuyệt chủng’

Thùy Chi (T/h)|21/08/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đã đến lúc một giải pháp khẩn cấp để bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên sông Mekong trong bối cảnh khủng hoảng nước hiện nay.

Theo nghiên cứu mới đây của ĐH Nevada (Mỹ), số lượng các loài cá có kích thước lớn ở các sông lớn trên thế giới giảm nghiêm trọng trong hơn 50 năm qua. Trong đó, sông Mekong chịu thiệt hại lớn nhất nhì.

Mối đe dọa tuyệt chủng của những loài động vật thủy sinh khổng lồ (có khối lượng lớn hơn 30kg) đang diễn ra trên cấp độ toàn cầu. Nhiều loài cá nước ngọt quý hiếm đã tuyệt chủng, trong đó nổi bật có loài từng thu hút nhiều nhà khoa học như cá heo sông Trường Giang.

Nhiều loài khác cũng đang trên bờ vực biến mất hoàn toàn như cá tra khổng lồ sông Me Kông, cá sấu Ấn Độ hay cá tầm châu Âu, số lượng những loài này đã giảm đến 97% kể từ năm 1970.

Ở cấp độ toàn cầu, sau khi thống kê 126 loài động vật cỡ lớn ở 72 quốc gia, nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng của chúng đã giảm 88%.

Nguồn cá tôm tự nhiên ngày càng ít đi

Theo The Guardian, tình trạng suy giảm diễn ra phức tạp nhất ở sông Mê Kông nơi trú ngụ của nhiều quần thể cá khổng lồ trên thế giới. Theo TS Zeb Hogan từ ĐH Nevada (Mỹ) – người đã dành hơn 20 năm tìm hiểu những loài thủy sinh khổng lồ, số lượng cá nặng trên 30kg ở sông Mekong đã giảm đáng kể xuống mức gần bằng 0.

Loài cá tra lớn nhất thế giới, cá chép lớn nhất thế giới, cá đuối sông lớn nhất thế giới – vốn chỉ sống ở sông Mekong – cũng đang “kêu cứu” trong vô vọng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là nạn săn bắt cá quý hiếm nhằm lấy thịt, da, trứng…

Ngoài ra, dưới áp lực gia tăng dân số, nguồn nước ngày càng khan hiếm khi phải phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng của con người. Đó là chưa kể không ít nhà máy công nghiệp làm ô nhiễm môi trường nước ở các quốc gia Đông Nam Á.

Đặc biệt, theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của sự sụt giảm nghiêm trọng các loài thủy sinh khổng lồ ở các sông lớn như Amazon, Congo hay Mekong là sự bùng nổ của các công trình thủy điện.

Sinh vật cỡ lớn thường cần một môi trường sinh sống đủ rộng cho việc kiếm ăn, sinh sản… tuy nhiên các đập thủy điện chắn ngang các sông lớn lại ngăn chặn dòng nước, thu hẹp nơi sống của chúng. Theo thống kê, hiện nay 2/3 các sông lớn trên Trái đất không thể chảy tự nhiên do các đập thủy điện.

Sự suy giảm động vật thủy sinh cỡ lớn diễn ra với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với những loài trên cạn. Điều này có thể phá vỡ chuỗi thức ăn, gây mất cân bằng sinh thái ở các hệ thống sông hồ trên thế giới.

“Mất đa dạng sinh học là thách thức hàng đầu trên hành tinh chúng ta, dẫn đến suy thoái môi trường tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp đến cuộc sống của con người – TS Zeb Hogan cho biết – Chúng cần chúng ta giúp đỡ. Không còn nhiều thời gian, chúng ta cần bảo vệ chúng trước khi quá trễ”.

Thùy Chi (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề cá sông Mê Kông trước nguy cơ ‘tuyệt chủng’