Nghệ An: Người dân “đào tận gốc” trà hoa vàng bán cho thương lái

Phạm Huyền|29/03/2017 01:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trà hoa vàng hay còn gọi là Kim hoa trà là một loài thực vật hạt kín trong họ Theaceae. Trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng như lấy gỗ, có thể làm cây trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, trồng làm cây cảnh và làm đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu

(Moitruong.net.vn) Vì giá trị kinh tế cao, thời gian gần đây người dân ở huyện Quế Phong đã ồ ạt lên núi đào cây trà hoa vàng bán cho thương lái.

Hiện nay, trà hoa vàng bị đe dọa do mất môi trường sống cũng như việc thu lượm cây giống thái quá.

TTXVN đưa tin, theo ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết hiện nay trên địa bàn một số xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim của huyện Quế Phong xảy ra hiện tượng một số người dân vào rừng chặt cây trà hoa vàng và đào gốc cây để bán cho tư thương. 

Việc làm này đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn nguồn giống, phát triển của cây chè hoa vàng và một số cây dược liệu khác, ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi gia đình trên địa bàn có cây trà hoa vàng. 

images844328_hv3

Hình ảnh cây trà hoa vàng 

Để ngăn chặn kịp thời hiện tượng trên, huyện Quế Phong đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vào rừng đào gốc, chặt phá cây trà hoa vàng để bán cho tư thương, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát triển cây trà hoa vàng theo Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 – 2020 của huyện. 

Ông Trần Quốc Thành trao đổi với báo Nghệ An, thời gian vừa qua, Sở KH&CN và UBND huyện Quế Phong tổ chức chuyến đi các tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh để tham quan các mô hình trồng và chế biến Trà hoa vàng. Vì vậy, khi phát hiện một số cửa hàng dược liệu ở thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) bán gốc cây này ông rất lo lắng.

“Giống cây trà hoa vàng mọc ở Quế Phong có những điểm khác biệt và thực sự là một loại dược liệu quý, cần bảo tồn và phát triển. Cần khẩn trương vào cuộc ngăn chặn tình trạng này…” – ông Thành trao đổi.

Cây Trà hoa vàng thường mọc trên các vùng gò đồi, ven khe suối… của huyện Quế Phong, đến năm 2012 mới được phát hiện và công bố; theo các tài liệu khoa học, có chứa tới hơn 400 thành phần dinh dưỡng và có giá trị y học cao.

Tháng 4/2016, UBND huyện Quế Phong đã lập Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đến năm 2020 cây trà hoa vàng sẽ đạt tổng diện tích 95 ha, triển khai chủ yếu tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim.

Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cảnh báo, việc người dân đào gốc trà hoa vàng bán cho tư thương là hết sức nguy hiểm.

Phạm Huyền

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Người dân “đào tận gốc” trà hoa vàng bán cho thương lái