Người dân Thủ đô khốn khổ vì khói bụi

(Theo TN&MT)|11/01/2016 06:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn

() – Thời gian gần đây, ô nhiễm khói, bụi đã trở thành nỗi ám ảnh với sức khỏe và cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội, đặc biệt là ở các tuyến đường cửa ngõ nội đô. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn chưa thực sự khả thi.

Vấn đề ô nhiễm bụi tại nhiều tuyến đường của Thu đô đã ngày một nghiêm trọng hơn qua từng năm. Nguyên nhân chính là do các phương tiện chở phế liệu, chất thải, vật liệu xây dựng không được che chắn hoặc che chắn không đúng tiêu chuẩn; cộng thêm các công trình xây dựng kéo dài khiến cho tình trạng khó giải quyết.

images1439551_khau_trang_2

Người đi đường nếu không đeo kính thì phải mắt nhắm, mắt mở để…nhìn đường

Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) là một trong những tuyến đường đứng đầu về bụi bẩn. Con đường dài gần 5km lúc nào cũng chìm trong khói bụi mịt mù bởi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, đặc biệt có nhiều xe tải hạng nặng vận chuyển vật liệu như cát, sỏi… Thêm vào đó, những công trình xây dựng đang thi công hai bên hành lang góp phần không nhỏ để khói bụi được dịp “tung hoành”. Người đi đường nếu không đeo kính thì phải mắt nhắm, mắt mở để…nhìn đường.

Bà Nguyễn Thị Ánh, bán quán nước trên tuyến đường này cho hay: “Lúc nào cũng phải che kín mặt nếu không muốn bị bụi táp thẳng vào mặt. Trời mưa thì bùn lầy, nắng hửng thì bụi bay khủng khiếp. Tường nhà, mái nhà đều bị nhuộm bụi quanh năm nhưng cũng không có biện pháp nào khắc phục…”.

images1439552_IMG_3358_1

Khói bụi mịt mù trên các tuyến đường là do nhiều xe tải lớn chở phế liệu, chất thải, vật liệu xây dựng

Tương tự, tuyến đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) cũng ngập chìm trong khói bụi. Các hộ gia đình sinh sống tại tuyến đường này càng khốn khổ hơn khi các công trình xây dựng đang thi công đã nhiều năm chưa biết bao giờ hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ một hộ gia đình trên đường Nguyễn Xiển than thở: “Bụi mù mịt, cửa đóng cả ngày bụi vẫn bay vào nhà bám đặc vào tất cả các vật dụng. Không lúc nào là không có bụi. Nhiều khi bụi bay dày đặc như mây, đứng bên này đường nhìn không tới bên kia đường. Càng những ngày thời tiết hanh khô, bụi bay càng nhiều hơn…”.

Tuyến đường Tam Trinh và Lĩnh Nam là tuyến giao thông chính ở cửa ngõ phía Nam thành phố từ lâu cũng trở thành “ác mộng” với những người thường xuyên phải di chuyển qua đây. Lưu lượng phương tiện đông mà chủ yếu là xe tải lớn chở vật liệu đi đường vành đai 3 lên cầu Thanh Trì khiến con đường thường xuyên rơi vào cảnh bụi mù mịt.

images1439555_IMG_3361

Bụi mịt mù trên tuyến phố Tân Triều đoạn rẽ ra đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân)

Gia đình bà Lê Thị Thanh (Lĩnh Nam) dù đã nhiều năm sống chung cùng khói bụi cũng không khỏi đau lòng. Bà Hoa than thở: “Ngày nào cũng vậy, không sáng thì tối tôi đều phải phun nước tưới đường. Nhưng nhiều phương tiện đi lại quá nên cũng chỉ được lúc là lại khô ráo, bụi lại tung lên. Hai đứa cháu tôi đứa thì ho, đứa thì mắc bệnh viêm mũi dai dẳng cũng chỉ vì phải hít khói bụi suốt ngày”.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường khác ở cửa ngõ Thủ đô từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh cho dân cư sống hai bên đường và những người tham gia giao thông như đoạn đường 500m trên Quốc lộ 6A, đoạn chạy qua Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông); đại lộ Thăng Long. Các đường Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu…cũng tiếp diễn tình trạng “bão bụi” mịt mù.

Thậm chí, chính người dân cũng là tác nhân gây nên tình trạng khói bụi lan tràn ở thủ đô. Vào thời điểm này, cứ mỗi chiều tối là trên khắp vỉa hè của các con phố xuất hiện hàng loạt quán nướng bắt đầu xả khói “vô tội vạ”. Khói từ các món nướng tỏa ra hòa vào làn khói xe cộ, bụi đường khiến không gian vốn đã mịt mù lại càng thêm ngột ngạt. Vào những giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện cùng đứng giậm chân tại các ngã ba, ngã tư xả khói khiến chính người đi đường ngán ngẩm.

images1439556_20130713104821_anh_1

Xe chở vật liệu không được che chắn hoặc che chắn không đủ tiêu chuẩn là tình trạng phổ biến diễn ra ở Hà Nội

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, tại nhiều nút giao thông như Phùng Hưng – Hà Đông, Nguyễn Xiển…những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn 5-7 lần mức cho phép. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng lên.

Vấn đề càng nghiêm trọng khi “bão bụi” gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Qua một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn TP.Hà Nội có đến 72% số hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp). Thế nhưng việc tìm giải pháp giải quyết xem ra vẫn chưa thực sự khả thi, mới chỉ dừng lại ở việc tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông vận chuyển vật liệu. Trong khi đó, việc triển khai kiểm tra và tiến hành xử phạt lại thuộc chức năng của các ban ngành khác nhau.

Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành cần sớm tìm ra giải pháp thiết thực để xử lý tình trạng ô nhiễm bụi, mang lại cuộc sống trong lành và bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô.

(Theo TN&MT)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Thủ đô khốn khổ vì khói bụi