Người miền Nam đón Tết

Hằng Linh|05/02/2019 11:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Đối với người dân Nam Bộ nói chung, người Sài Gòn nói riêng, mọi người coi Tết là dịp đi chơi và nghỉ ngơi cuối năm nên các gia đình, nhóm bạn thường tổ chức những chuyến đi chơi xa. Không cầu kỳ với nhiều nghi thức lễ hội như ở miền Bắc nhưng vẫn thể hiện sự chỉn chu, tươm tất và cầu toàn, mang nét độc đáo, thú vị riêng.

>>> Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời: “Những gì làm cho Đà Nẵng là chúng tôi làm đẹp nhất, tốt nhất có thể”

>>> Quảng Nam: Thả cá thể rùa xanh quý hiếm về biển

Ngày Tết, nhà nào cũng có một nhành mai, cây cảnh, mâm ngũ quả cùng các món ăn đặc trưng của vùng đất này.

“Nhớ tuốt lá cho mai về kịp Tết

Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương

Mai vàng nở như em về đúng hẹn

Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường

Anh tuốt lá đợi mai về ngày Tết

Chở mùa xuân trên mỗi đóa vàng tươi”.

Bởi lẽ đó, Tết cổ truyền miền Bắc có đào tươi khoe sắc thắm thì người dân Nam Bộ có hoa mai khoe sắc xuân thì để vui Tết cổ truyền của dân tộc.

Nếu miền Bắc đón Tết trong tiết trời se lạnh, thì miền Nam do đặc thù khí hậu nóng ẩm nên đón Tết trong không khí ấm áp, trời trong xanh, nắng xuân giăng đầy.

Năm nào cũng vậy, cứ từ đầu tháng Chạp, ở Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Các chợ hoa, chợ Tết chuẩn bị dựng sạp. Một nét độc đáo của người dân Nam Bộ vào mỗi dịp Tết mà du khách gần xa đều rất thích đó là chợ hoa xuân – đặc trưng sinh hoạt Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ.

Thường tới cuối tháng 12, chợ hoa xuân ở các địa phương mới đồng loạt khai trương. Chợ hoa xuân ngoài ý nghĩa như dấu hiệu đặc thù của mùa xuân Nam Bộ, còn là thú chơi tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của những người dân Nam Bộ.

Người Nam Bộ quan niệm, hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn. Những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhà nào cũng có hương sắc mai vàng trưng trong nhà. Một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm là niềm vui lớn cho cả nhà, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm. Mai vàng có mặt ở chợ hoa xuân có mai cành và mai gốc. Những cành mai được tỉa từ những gốc mai lớn: dày nụ, ít búp, sum suê cành nhánh. Mai gốc phần lớn là những cây mai ghép, được trồng trong những chậu kiểng và uốn tỉa rất công phu. Những chậu mai ghép khi trổ bông cho những bông hoa nhiều cánh và đa sắc: vàng, lục, cam, trắng.

Sài Gòn thường ấm áp, trời trong xanh mây trắng bồng bềnh, nắng vàng rực rỡ khắp mọi con đường. Có chăng thì cũng có một chút hơi lạnh vào những ngày giáp Tết, nhưng rồi lại ấm áp trở lại rất nhanh. Có lẽ được thời tiết ưu ái hơn nên người Sài Gòn có nhiều sự lựa chọn hơn cho trang phục Tết. Họ có thể ăn mặc đủ kiểu, miễn là đẹp và hợp với ngày Tết, từ áo ba lỗ đến áo dài tay, từ chất liệu voan mỏng đến len dày.

Ngày Tết, nhà nào cũng có một nhành mai, cây cảnh, mâm ngũ quả cùng các món ăn đặc trưng của vùng đất này. Người dân Nam Bộ bao đời nay có quan niệm rất đơn giản khi bày biện mâm ngũ quả vì họ cho rằng: “quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt năm, cho nên chọn năm loại trái cây, biểu trưng công sức của con cháu dâng lên tổ tiên và đất, trời với lời cầu chúc: “ngũ cốc phong thu” mang lại may mắn, tài lộc. Mâm ngũ quả ngày Tết Nam Bộ thường là năm loại cây trái: “mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài”, nói lên ý nghĩa: “cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài”.

Triết lý người xưa đã để lại cho con cháu qua mâm ngũ quả vùng Nam Bộ không đơn thuần là lời cầu chúc suông về tài lộc, mà còn nhắn nhủ khuyên răn biết ”vừa đủ” biết tiêu xài đúng lúc đúng chỗ. Đó là triết lý sâu sắc sống thực, một di sản văn hóa mang đậm bản sắc của người Nam Bộ.

Đặc trưng của Nam Bộ đó là món bánh tét lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ vì chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm mà không nơi nào có được.

Một phong tục độc đáo và được duy trì phát triển mạnh của người dân Nam Bộ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích thú, đó là tục lì xì đầu năm. Tục lì xì phổ biến ở miền Nam trước, sau đó lan ra các vùng khác của Việt Nam. Tiền mới được bỏ vào phong bao có màu đỏ rực rỡ, tặng trẻ nhỏ trong gia đình để lấy may, ước mong trẻ mau ăn chóng lớn, mọi sự được như ý. Đồng thời, con cháu mừng tuổi ông bà, cầu chúc sức khỏe, an vui tuổi già. Bao lì xì nhỏ thế thôi, nhưng mang giá trị ý nghĩa lớn lao, một nét văn hóa đặc biệt đậm chất triết lý của người miền Nam, không câu lệ giá trị mà chủ yếu đem lại niềm vui, tốt lành, may mắn.

Người Sài Gòn chơi Tết

Sài Gòn – TP.HCM “chơi” Tết cũng “không giống ai”. Có lẽ là vì sự du nhập của nhiều luồng văn hoá khác nhau do tính chất địa lý và lịch sử. 3 ngày Tết là 3 ngày mọi người mặc sức vui chơi thoải mái, ăn uống thả giàn, không phải gò bó trong những tục lệ truyền thống thuần Việt.

Những “lễ nghi” gia đình được thực hiện ngay trong đêm giao thừa, sang tới mùng 1, 2, 3 là ai thích gì chơi đó, ai muốn đi đâu, kể cả đi du lịch xa thì tự nhiên “xuất hành”. Nhưng rất đặc biệt, sáng 1 Tết, đường phố Sài Gòn gần như rất ít người đi, kỳ lạ ở chỗ, đến các tụ điểm vui chơi xuân thì thấy đã đông ngợp người, không hiểu mọi người đi từ lúc nào. Có một thú vị là phần lớn du khách chơi xuân ở Sài Gòn là người của các tỉnh thành lân cận và khách du lịch ngoại quốc.

Là một thành phố năng động và không “lãng phí” để thời gian trống, các hàng quán ở Sài Gòn- TP.HCM trong mấy ngày Tết cũng không nghỉ, các nhà hàng, khách sạn, tiệm ăn khách đông nườm nượp. Tết nhưng không thích ăn uống tụ họp trong nhà mà kéo nhau ra quán thưởng thức các hương vị xuân bốn phương, thế mới thú.

Với những người buôn bán, họ mà nghỉ Tết thì sau đó phải “xem” lại ngày khai trương năm mới sợ mất “hên” như năm trước, nên bán luôn không nghỉ để hưởng tài lộc từ năm cũ, phần nữa Tết, khách lại đông hơn thường ngày.

Ngoài ra ngày Tết ở thành phố phương Nam này còn có một phong tục cổ của người Hoa, nhưng đã được Việt hoá. Từng đoàn Lân, Sư nhỏ với vài người cầm phèng la, chũm choẹ đi tới những nhà mặt tiền trên phố, chúc phúc lộc gia chủ bằng mấy câu thơ, vè dân gian, xua đuổi những xui rủi năm cũ, mang điều may mắn tới…

Gia chủ tuỳ tâm gửi tặng bao lì xì cho Lân, Sư. Không nhà nào Lân, Sư ghé thăm mà không vui, họ cho đó là điều tốt lành trong năm mới, nhất là các gia chủ làm nghề kinh doanh buôn bán.

Tết Sài Gòn – xuân TP.HCM còn có kiểu du xuân rất khác, là một phong tục đẹp, không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng như một kiểu “chơi” xuân mang đậm chất văn hoá tín ngưỡng và văn hoá truyền thống dân tộc.

Ngày mùng 1 Tết, gần như mọi người đều dành cho cuộc xuất hành đầu năm là viếng thăm các chùa trong thành phố, hoặc những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở các vùng xung quanh như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh…

Rồi sau đó là đi thăm mộ người thân ở các nghĩa trang, đặc biệt là nghĩa trang liệt sĩ, thắp nhang cho vong linh được ấm cúng, nhất là với những liệt sĩ vô danh.

Hằng Linh

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người miền Nam đón Tết