Nguy hiểm chết người khi ăn tiết canh

Thanh Tùng(t/h)|10/03/2017 10:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kich, được biết trước đó bệnh nhân này có ăn tiết canh lợn.

tiết canh

Một bệnh nhân có tên N.D.B, 60 tuổi, quê Thái Bình nhập viện trong tình trạng tím tái, mạch, huyết áp không đo được. Trước khi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện tỉnh với chẩn đoán, bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và cho đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn diễn biến nặng, ông D. vẫn tím đen toàn thân, tụt huyết áp.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi xuất hiện các triệu chứng thì bệnh nhân có  ăn tiết canh ngoài quán. Sau khi về, bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục 39.5 độ, kèm theo nôn nhiều và đau đầu, tím tái toàn thân. 3 ngày sau thì xuất hiện các triệu chứng khó thở, tím đen toàn thân, huyết áp tụt…và được gia đình đưa đi cấp cứu.

Hiện tại, ông D. bị hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, các tạng đã bắt đầu có xu hướng hồi phục. Tuy vậy, ông D. vẫn còn rất nặng và phải hồi sức tích cực.

BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.

Bác sĩ Đặng Thị Nga, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP HCM cho biết: “Bất cứ một loài ký sinh trung nào, kể cả vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào máu đầu tiên, theo đó đi vào các bộ phận khác. Trong khi đó, cấu tạo của bộ não rất lỏng lẽo nên các loại sán, ký sinh trùng sẽ dễ đi vào và thích nghi ở đó. Trong não, sán nhiều hơn giun, mặc dù giun cũng ký sinh trong máu”.

Việc người ăn tiết canh có bị nhiễm giun, sán phụ thuộc vào việc con vật đó có nhiễm sán hay không. Thông thường những con vật được nuôi công nghiệp, nuôi bằng cám lại ít nhiễm sán hơn những con vật các hộ gia đình nuôi hoặc được chăn thả theo tự nhiên. Bởi vì chúng được ăn các loại cám công nghiệp được qua xử lý chứ không bị chăn thả ngoài đất cát và ăn các loại cây cỏ, hay các loại rau có chứa các ấu trùng trứng giun, sán. Tất nhiên, những loại vật nuôi công nghiệp sẽ có nguy cơ nhiễm độc các hóa chất khác.

Thanh Tùng(t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm chết người khi ăn tiết canh