Nhà báo, ThS Công Triện: “nghề báo là nghề truyền lửa”

20/06/2016 12:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Trước khi gặp nhà báo Công Triện, tôi đã được nghe đồng nghiệp của anh kể nhiều về anh – một nhà báo đa tài, anh không chỉ hoạt động tốt trên nhiều loại hình báo chí như báo viết, phát thanh, truyền hình, dẫn các chương trình chính luận, sự kiện … mà còn là một cán bộ Đoàn hoạt động rất năng nổ và nhiệt huyết. Với anh, chất phóng viên đã ăn sâu vào con người, nó rần rật chảy trong từng đường gân thớ thịt của anh vì thế anh luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân và khẳng định năng lực, vị trí của mình với một tinh thần trách nhiệm và truyền lửa cho anh em đồng nghiệp.

Khuôn mặt điển trai, một phong thái điềm đạm và ánh mắt sáng ngời lộ rõ vẻ tinh anh cùng giọng nói trầm ấm, gần gũi là những ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà báo Công Triện. Anh hiện đang công tác tại Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) và đảm đương vị trí: Trưởng nhóm điểm báo của ANTV; Phó trưởng nhóm về văn hóa, các vấn đề xã hội của Ban Thời sự ANTV; Phó Bí thư Đoàn cơ sở ANTV; phóng viên, Biên tập viên, người dẫn chương trình. Đặc biệt, những người làm báo từng làm việc với anh đều nhận thấy khả năng tinh nhanh của một người làm báo trong các thể loại báo chí,  xây dựng kịch bản, viết lời bình các phóng sự, các chương trình tường thuật, truyền hình trực tiếp, cầu truyền hình, kịch bản các chương trình giao lưu, sự kiện. Người ta dễ bắt gặp một Công Triện với giọng đanh thép, chắc chắn trong các chương trình: Hành trình phá án, điều tra qua thư khán giả, các chương trình phản biện xã hội và một Công Triện với giọng truyền cảm, gần gũi trong các chương trình: phía sau bản án, phim tài liệu, ..và các chương trình phát sóng trên kênh ANTV, VTV, VTC…vv Và hơn hết, anh vẫn luôn tự hoàn thiện phẩm chất của một phóng viên, một nhà báo và một biên tập viên chuyên về các vấn đề xã hội.

82fbf03e-6908-4efb-b7d0-e0008fd6dd43

Trò chuyện với anh bên ly trà ấm, tôi đề cập đến những khó khăn, vất vả trong công việc của người làm báo. Anh ôn tồn bảo: đã dấn thân vào nghề báo thì bên cạnh niềm tự hào là phải chấp nhận những khó khăn; tôi luôn nhìn những bậc đàn anh đi trước, những người đồng nghiệp của tôi để phấn đấu sao cho có trách nhiệm trong từng công việc.

Anh chia sẻ, xuất phát điểm của mình là một phóng viên chuyên viết các tuyến bài phản ánh về các vấn đề xã hội trong chuyên mục Cải cách hành chính, “chống buôn lậu”, “nhận diện”, “phóng sự điều tra” ,…ở Ban Chuyên đề” (nay là Trung tâm Phim Tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam). Vì có điều kiện làm việc với các Nhà báo có “thâm niên” trong nghề, cộng với tính ham học hỏi; tham gia nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn do VTV tổ chức nên đã sớm hình thành trong anh một tư duy mang tính lô gic và thực tế đối với các đề tài phản biện xã hội hay các đề tài dân sinh; sau này là các thể loại về phóng sự chân dung, gương người tốt, việc tốt. Anh bảo, mỗi lần “dấn thân” vào một thể loại báo chí là mỗi lần gặp những khó khăn, nhưng cũng giúp mình ngày một trưởng thành hơn. Khi anh mới bước chân vào VTV, những phóng sự đầu tiên bị lãnh đạo duyệt, sửa gần như hết, đỏ chót cả một bản thảo. Cả đêm hôm đó, anh đọc đi, đọc lại và rút ra một điều: Làm báo không cho phép cẩu thả, đòi hỏi phải cẩn trọng trong từng câu, từng chữ, từng hình ảnh và cần lắm một tư duy khách quan. Thế là từ những năm 2007,2008; nhờ sự hướng dẫn của những người đi trước, của đồng nghiệp, nhiều phóng sự của anh đã gây được tiếng vang như “trăn trở từ sân golf”, “Một chương trình nhân đạo bị vô hiệu”, “con đường của 8.8 tấn cần sa”, “bất cập từ các mô hình hợp tác xã”, “hệ lụy từ những thông tin không chính xác”, “nạn lấn chiếm đê điều”, “thờ ơ với ô nhiễm sông nhuệ”…vv

633183ec-34ae-4698-89fe-555ca8452216

Nhà báo Công Triện luôn nỗ lực tự hoàn thiện phẩm chất của một phóng viên, một nhà báo và một biên tập viên chuyên về các vấn đề xã hội, nội chính và an ninh trật tự.

Anh tâm sự, năm 2009- 2010, có những chuyến tác nghiệp phải vào tận rừng sâu ở vùng Tây Nguyên đất đỏ, nơi đó không chỉ ẩn chứa những hiểm nguy của chốn rừng thiêng, nước độc mà còn hiện hữu mối lo về sự tấn công bất ngờ của những kẻ lâm tặc hung bạo. Chỉ vì lợi ích cá nhân trước mắt mà nhiều đối tượng tàn phá thiên nhiên sẵn sàng “tấn công” những người động chạm, phanh phui hoạt động sai trái của chúng. Anh vẫn nhớ rõ, khi còn công tác tại VTV, anh cùng nhà báo Caka, nhà báo Mạnh Hùng thực hiện loạt phóng sự điều tra “một chương trình nhân đạo bị vô hiệu”; 2 tháng trời ròng rã từ lên rừng, xuống biển; khi trở về Hà Nội mà mừng không kể xiết vì không nghĩ bản thân đã vượt qua được những khó khăn, nguy hiểm. Hay những cảnh quay truyền hình trực tiếp về đề tài bão lũ cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, bất trắc do mẹ thiên nhiên gây ra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng những nhà báo đang tác nghiệp. Rồi chuyến công tác tại Cao Bằng (năm 2009), chính anh đã phải đưa đồng nghiệp của mình (nhà báo Văn Giang) về HN do trong quá trình tác nghiệp, cả Ekip đã gặp tai nạn giao thông. 

Và còn nhiều hơn nữa những khó khăn, gian khổ mà anh đã từng trải qua trong 10 năm gắn bó với nghề báo. Qua nụ cười rạng rỡ và tiếng thở phào nhẹ nhõm sau những câu chuyện kể của anh, rồi cả những người đã gắn bó với anh, giúp đỡ anh mà anh coi như những người anh, những người thày, hay cả những đồng nghiệp khi đi tác nghiệp khiến tôi cảm nhận rõ hơn những khó khăn, gian khổ thậm chí là cả sự hy sinh của những người làm báo, họ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để kiếm tìm sự thật nhằm đem lại sự công bằng cho xã hội, đảm bảo pháp luật được thực thi. Đó là những điều mà những người làm báo luôn mong muốn sự sẻ chia của xã hội.

Với những người làm báo, mỗi bước đi là một sự trải nghiệm, một sự trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Năm 2011, Công Triện chuyển sang công tác tại Ban Thời sự, Truyền hình ANTV; anh vẫn giữ được nhiệt huyết, một phong cách làm báo của riêng mình, đồng thời anh có nhiều cơ hội đi sâu vào mảng đề tài về nội chính, an ninh trật tự. Vốn là người trách nhiệm trong từng đề tài, trong từng công việc, lại nhận được sự giúp đỡ chỉ bảo của những người làm báo Công an đã giúp bản thân anh ngày một hoàn thiện hơn ở nhiều lĩnh vực công tác.

Untitled-17
7f8f20fb-a0df-4833-9b24-796125528f5f

Untitled-18

Nhà báo Công Triện với vai trò BTV, Người dẫn chương trình trong các chương trình phát sóng trên kênh ANTV.

Những bộn bề công việc và nhiệm vụ về chuyên môn, cứ ngỡ rằng anh sẽ chẳng còn thời gian để dành cho những hoạt động khác. Nhưng không, bên cạnh việc luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao, tôi được biết anh còn là một người luôn tích cực tổ chức và trực tiếp tham gia các hoạt động Đoàn thể của cơ quan. Anh chính là một trong những người mở màn cho Cuộc thi ảnh ANTV và cũng là người khơi dựng các câu lạc bộ (CLB) như: CLB cầu lông, CLB bóng đá, CLB văn nghệ của ANTV; anh cũng chính là sợi dây gắn kết “tinh thần thanh niên” giữa ANTV với các đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND. Với những nỗ lực và trách nhiệm cũng như sự hiệp nhất đồng lòng của tuổi trẻ ANTV đã thúc đẩy công tác đoàn, phong trào thanh niên của những người làm báo ANTV phát triển mạnh mẽ và được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo đơn vị tin tưởng, được Đoàn thanh niên Tổng Cục chính trị CAND, Bộ Công an đánh giá cao.

trien

Công Triện được ví như sợ dây gắn kết tinh thần thanh niên giữa ANTV với các đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND.

Anh tâm sự: “Trong con người mình giờ có nhiều vai, sở dĩ mình làm được điều đó là do sự giúp đỡ, tạo điều kiện của những người xung quanh mình và đặc biệt là sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo. Hơn nữa, nghề báo và hoạt động phong trào đã ngấm vào máu mình, càng dấn thân vào nghề lại càng thấy “phù hợp với bản thân”, làm báo giúp đôi tai mình luôn lắng nghe, đôi chân không ngừng bước đi, và một trái tim mạnh mẽ. Nghề báo thực sự vất vả, nhưng cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc”. Mười năm làm báo với anh không phải là quá dài nhưng đó là khoảng thời gian để anh rèn luyện, phấn đấu, hoàn thiện, khẳng định bản thân mình và mang về không ít những niềm vui. Mỗi một lần nhận nhiệm vụ là một lần trải nghiệm và rút ra được những kinh nghiệm quý báu, là cơ hội để mình học tập. Đó chính là động lực lớn lao để anh phấn đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Những nỗ lực, cống hiến của anh đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng và bằng khen xứng đáng như: Giải thưởng Tác phẩm điều tra xuất sắc nhất trong năm 2010 của Đài truyền hình Việt Nam; Tác phẩm báo chí xuất sắc do Hội Nhà báo trao tặng; Bằng khen của Hội nhà báo về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2009, 2010); 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bằng khen của Tổng Cục trưởng Tổng cục chính trị CAND; Bằng khen của Đoàn thanh niên Bộ Công an, Giấy khen của ANTV và rất nhiều giải thưởng cũng như khen thưởng khác về chuyên môn và công tác Đoàn thanh niên. Khi nói về điều này, anh chỉ nở một nụ cười khiêm tốn, bởi với anh tất cả mới chỉ là khởi đầu, để có được thành công và niềm vui trong công việc là cả một quá trình tự rèn luyện, học hỏi và không ngừng nỗ lực.

Bên cạnh đó còn là sự nâng đỡ, chỉ dạy của rất nhiều những nhà báo lão thành như nhà báo Vũ Chung, nhà báo Hồ Quang Lợi, người dẫn chương trình Kim Tiến, nhà báo Chu Dương, nhà báo Vũ Khôi, nhà báo Văn Phòng, nhà báo Ngọc Quang, nhà báo Hà Minh Thiện, … anh bảo, nếu kể ra thì cả một quyển sách cũng không hết được và cả những đồng nghiệp đã luôn gần gũi, động viên anh những lúc khó khăn. Nhắc đến những nhà báo này, anh rưng rưng xúc động và luôn trân trọng, biết ơn công lao của những người anh, những đồng nghiệp đã giúp đỡ anh. Đặc biệt, là người vợ thân yêu của anh, một người phụ nữ luôn yêu thương, sẻ chia và cảm thông sâu sắc với công việc của chồng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh những niềm vui cá nhân, chăm lo cho gia đình để chồng yên tâm công tác. Nói về vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình, anh chia sẻ: “Nhờ có nghề báo mà vợ chồng mình nên duyên”. Vợ anh làm trong ngành Công an nên rất thấu hiểu và hỗ trợ rất lớn cho anh trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Cuối câu chuyện anh nói rằng: “Nghề báo khắc nghiệt đấy, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nhưng cũng đầy thú vị. Muốn cảm nhận sự ngọt ngào của nó, tôi đã bước đi với cái đầu luôn tỉnh táo, một trái tim ấm nóng và niềm đam mê không bao giờ cạn. Làm báo như một sự truyền lửa, truyền lửa từ thế hệ đi trước, từ những đồng nghiệp xung quanh mình…. Và chính ngọn lửa đó sẽ luôn thôi thúc tự thân mỗi nhà báo dần hoàn thiện hơn để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của xã hội, cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà.

(Theo Mai Quí – T/C Môi trường & Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo, ThS Công Triện: “nghề báo là nghề truyền lửa”