Nhà báo Trần Hồng Quỳnh – Cây bút trưởng thành từ cơ sở

Linh Ly|20/06/2017 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nhân dịp 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017), phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi trò chuyện cùng Nhà báo Trần Hồng Quỳnh, Phó Trưởng ban Tư liệu – Văn kiện, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để được anh chia sẻ những kinh nghiệm trong 25 năm làm báo của mình.

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh trong chuyến tác nghiệp tại biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)

Kinh nghiệm từ thực tế là hành trang bước vào nghề

Phóng viên: Xin chào Nhà báo Trần Hồng Quỳnh! Được biết anh gắn bó với nghề báo đã 25 năm, vậy tình yêu đối với nghề báo bén duyên trong anh từ khi nào?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Tôi cũng không biết tình yêu đối với báo chí bắt đầu trong tôi từ bao giờ, chỉ biết là từ khi còn rất nhỏ, tôi rất thích đọc báo Nhi đồng, báo Hoa học trò và các cuốn truyện có tranh ảnh đẹp, nhất là những quyển truyện có tranh vẽ của họa sỹ Huy Toàn. Để xác định đi làm báo, theo nghề báo thì phải vào năm học cuối cấp 3, khi đó đã có sẵn những kỷ niệm đẹp và niền yêu thích đối với mỗi trang sách báo, cộng với áp lực phải lựa chọn thi trường nào? Làm nghề gì trong tương lai? Đúng lúc đó (tháng 10/1991), tỉnh Hà Tuyên (cũ) tách ra thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Khi ấy, tỉnh Hà Giang rất thiếu cán bộ trẻ, vậy là tôi và nhiều thanh niên khác cùng trang lứa đã xung phong đầu quân lên công tác tại tỉnh miền núi Hà Giang địa đầu cục Bắc của Tổ quốc, trở thành lực lượng thanh niên xung kích của tỉnh. Căn cứ vào nguyện vọng cá nhân, tôi được cử đến công tác tại Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Vị Xuyên, là một trong những huyện miền núi, biên giới của tỉnh Hà Giang. Đồng thời tôi cũng đăng ký dự thi và trúng tuyển vào Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tôi vừa đi làm, vừa đi học và cũng chính thức bắt đầu sự nghiệp làm báo từ khi đó.

Phóng viên: Nghề báo là nghề khó khăn và đầy thách thức, nhất là với những người mới vào nghề? Vậy anh trải qua giai đoạn khó khăn đó bằng cách nào?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Thời gian đầu làm báo, tôi theo ngành phát thanh – truyền hình. Đó là quãng thời gian khá “khủng khiếp” đối với một người vừa là sinh viên vừa là một cán bộ còn rất trẻ như tôi. Làm thế nào để tác phẩm báo chí của mình ngắn gọn, đạt được hiệu quả mà thủ trưởng cơ quan yêu cầu và lột tả được nội dung mình muốn truyền tải, là những câu hỏi luôn đặt ra trong đầu tôi khi mới chân ướt chân ráo vào nghề.

Tôi nhớ khi đó tôi được giao đề tài làm phóng sự gương người tốt việc tốt về một anh thương binh “tàn nhưng không phế”, phát huy truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, làm kinh tế giỏi. Anh bị thương mất một chân, phải dùng chân giả, nhưng đã cố gắng khổ luyện để có thể đi lại, lao động và là mọi việc gần giống như người thường. Nếu không tinh mắt khó nhận biết được anh là thương binh.

received_1296584223793792

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh đang phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Chấn, người phải chịu án tù oan sai.

Khó khăn mà tôi gặp phải khi đó là phải chọn được những chi tiết, hình ảnh, góc quay, biểu cảm của nhân vật để người xem có thể nhận thấy đó là một người thương binh đã bị mất một chân, thấy được nghị lực và sự vươn lên vượt qua khó khăn của anh. Để làm được điều đó tôi phải dành nhiều thời gian tiếp cận với anh, tìm hiểu về cuộc sống thường ngày của anh và lựa chọn góc tiếp cận, góc máy quay cho khuôn hình thật sống động, và cách viết lời bình sao cho khán giả thấy rõ anh đúng là một thương binh “tàn nhưng không phế”.

Nhờ dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp cận nên cuối cùng phóng sự đó đã thành công, được khán giả đón nhận, được lãnh đạo đài khen ngợi, giúp tôi có thêm nhiều động lực và kinh nghiệm cho hoạt động báo chí sau này.

Phóng viên: Như vậy là anh đã kinh qua khá nhiều loại hình báo chí, trước là truyền hình, phát thanh, giờ là báo điện tử, mà mỗi loại hình lại có những nét riêng biệt. Vậy anh làm thế nào để thích nghi với loại hình báo chí mới?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Với 18 năm công tác tại miền núi, trong đó có 6 năm làm ở Đài Truyền thanh – truyền hình huyện Vị Xuyên và 12 năm làm ở Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hà Giang. Đến năm 2009, khi được chuyển công tác về Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi đã phải “học làm báo lại từ đầu”. Bởi, có sự khác biệt rất lớn giữa báo điện tử với truyền hình, phát thanh.

Với truyền hình, hình ảnh có vai trò quan trọng nhất trong việc truyền tải thông tin, lời bình có tính chất bổ sung thông tin cho tác phẩm. Còn với báo điện tử, nhất là trong môi trường công nghệ số, thông tin đa phương tiện, có nhiều sự kết hợp nhiều phương thức thông tin báo chí – truyền thông trong đó. Hơn nữa, ngôn ngữ, văn phong trong báo điện tử đòi hỏi phải ngắn gọn, súc tích, cách trình bày đa tầng thông tin, đa phương thức truyền tải. Vậy nên, để hòa nhập với môi trường báo điện tử không còn cách nào khác là phải tiếp tục học hỏi, nhanh chóng thích nghi và ngày càng hoàn thiện mình. Người thầy của tôi khi đó chính là các bạn đồng nghiệp và thực tiễn. Bên cạnh việc học hỏi đồng nghiệp, từ thực tiễn, tôi còn tự học qua sách vở và các tài liệu trên mạng Internet.

received_1296573687128179Nhà báo Trần Hồng Quỳnh trong chuyến tác nghiệp tại vùng miền núi khó khăn tỉnh Điện Biên.

Cây bút trưởng thành từ cơ sở với những chuyến đi dài

Phóng viên: Được biết anh một trong những phóng viên tham gia chuyến công tác đấu tranh trên mặt trận tuyên truyền khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Cảm nhận của anh về chuyến công tác này?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Dịp tháng 5 năm 2014, tôi có vinh dự là một trong những phóng viên tham gia chuyến công tác về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lực địa và vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Chuyến công tác của tôi kéo dài gần 1 tháng cùng với hơn 40 nhà báo của các cơ quan báo chí trong nước và một số hãng thông tấn quốc tế…

Nhiều người nói, trong sự kiện ấy chúng tôi là những phóng viên “chiến trường”. Kể cũng đúng. Có trực tiếp tham gia trong sự kiện ấy mới thấy hết sự khó khăn, khốc liệt, hiểm nguy khi được làm phóng viên “chiến trường”. Từ chuyến công tác này, tôi cảm nhận thấy trình độ tác nghiệp của phóng viên, nhà báo Việt Nam không hề thua kém so với các bạn đồng nghiệp quốc tế. Điều quan trọng là mỗi phóng viên, nhà báo Việt Nam trong sự kiện ấy đều có kỷ luật rất tốt, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần hợp tác, sẵn sàng vượt qua gian khổ, khó khăn, chấp nhận hiểm nguy để cùng với các chiến sỹ Cảnh sát biển, Kiểm ngư viên của Việt Nam kiên cường đấu tranh bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Phóng viên: Hiện, anh đang làm công tác quản lý nhiều hơn, nhưng nếu được cử đi tới các vùng miền xa xôi của tổ quốc chắc hẳn anh vẫn sẵn sàng?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Đó là điều đương nhiên. Tình yêu đối với nghề báo và nhiệt huyết trong tôi vẫn mạnh mẽ lắm! Chuyến công tác ra Hoàng Sa (thuộc của quyền của Việt Nam) đó không phải là lần đầu tôi đến nơi xa xôi, khó khăn đưa tin, viết bài. Trước đó tôi cũng đã từng ra công tác tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Những chuyến đi tới những vùng miền xa xôi, nghèo khó của Tổ quốc để viết bài đã được tôi thực hiện rất nhiều lần, nhất là những năm đầu làm báo ở tuyến cơ sở. Mới gần đây, tôi cũng vừa thực hiện một chuyến công tác dài ngày xuống một số xã khó khăn, xa xôi, biên giới của các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để viết bài về công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Phóng viên: Vậy tác phẩm tâm đắc nhất của anh trong suốt 25 năm làm báo chắc cũng liên quan đến những chuyến đi dài này?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Đúng là vậy, tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất và cũng được ghi nhận nhiều nhất được thực hiện tại các xã miền núi Hà Giang. Đó là một phóng sự truyền hình với đề tài “Xóa lười là xóa nghèo”. Tác phẩm này tôi thực hiện cùng một đồng nghiệp khi còn công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hà Giang. Trong phóng sự, vấn đề đặt ra là có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, mà một trong số đó là tình trạng lười lao động của một bộ phận người dân có thói quen trong chờ, ỉ lại. Vì vậy, một trong nhiều giải pháp để xóa đói giảm nghèo là phải xóa lười… Với tác phẩm này, tôi và bạn đồng nghiệp đã đạt giải B, Giải Báo chí toàn quốc năm 2004 (sau này là Giải Báo chí Quốc gia).

Phóng viên: Anh đánh giá thế nào về những bài viết trong lĩnh vực môi trường trên báo chí hiện nay? Những bài báo này đã phản ánh đúng được những vấn đề xã hội quan tâm?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Trước hết, nói riêng về Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, một tạp chí chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam. Tôi thấy Tạp chí đã làm rất tốt vai trò là cơ quan thông tin lý luận về vấn đề môi trường và cuộc sống. Gần đây, Tạp chí đã có thêm phiên bản điện tử Moitruong.net.vn, đồng nghĩa với việc ngoài thông tin lý luận thì Tạp chí đã bám sát hơn nữa với thực tiễn môi trường của Việt Nam, có tính thời sự và có tính chiến đấu nhiều hơn.

Đối với các cơ quan báo chí khác, đã có nhiều bài báo, đề tài liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường cuộc sống, chống biển đổi khí hậu của quốc gia và toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những bài báo tốt, đề tài tốt vẫn còn một số ít những phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí không đứng về phía lợi ích của cộng đồng mà né tránh, nói xuôi chiều, nói có lợi cho một vài “nhóm lợi ích” tác động xấu đến môi trường. Thời nào cũng có những nhà báo, cơ quan báo chí như thế. Để khắc phục vấn đề này cần phải tiếp tục nâng cao đạo đức nghề báo và nâng cao công tác quản lý báo chí nói chung, trong đó có những cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực môi trường và cuộc sống.

Phóng viên: Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, anh gửi lời chúc gì đến các Nhà báo nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung?

Nhà báo Trần Hồng Quỳnh: Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam – 21/6, tôi xin trân trọng gửi lời chúc Ban Biên tập, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống lời chúc sức khỏe, yêu nghề, đạt được nhiều thành tích cao trong hoạt động báo chí. Đặc biệt, có thêm nhiều bài viết sắc sảo, chủ đề hay, hấp dẫn trong lĩnh vực môi trường, góp phần bảo vệ môi  trường của Việt Nam và thế giới, đáp ứng yêu cầu và lòng mong đợi của công chúng, nhất là công chúng quan tâm đến lĩnh vực môi trường và cuộc sống.

Với các nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tôi xin trân trọng gửi đến các bạn đồng nghiệp lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và luôn luôn yêu nghề!

Phóng viên: Xin cảm ơn Nhà báo Trần Hồng Quỳnh! Chúc Nhà báo luôn mạnh khỏe và có nhiều tác phẩm báo chí hay hơn nữa trong thời gian tới!

Linh Ly


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Trần Hồng Quỳnh – Cây bút trưởng thành từ cơ sở