Nhà siêu mỏng, siêu méo tái xuất ở Hà Nội

Thanh Tùng|28/02/2017 09:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

UBND thành phố Hà Nội từng khẳng định kiên quyết dẹp bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo, và trong khi chưa xử lý xong những căn nhà cũ, những ngôi nhà “kỳ dị” mới tiếp tục mọc lên.

nhà

Nhà siêu mỏng, méo mới mọc lên tại phường Khương Thượng. Ảnh: Như Ý

Bức tường rao bán tiền tỷ

Hơn chục ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang được hoàn thiện trong ngõ 10 Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội). Mỗi ngôi nhà mang một hình dáng, màu sắc khác nhau. Có ngôi nhà có chiều rộng vỏn vẹn hơn 1m, có ngôi nhà được chống đỡ tạm bợ bằng những chiếc cọc gỗ.

Hầu hết các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đều nằm ở mặt phố có vị trí kinh doanh đẹp, nên được tận dụng để mở cửa hàng hoặc cho thuê. Một số người dân tại đây cho biết, nhiều căn nhà mặt tiền chỉ có diện tích 5 – 6m2 nhưng vẫn cố xây dựng để tạo áp lực, “hét giá” với các hộ phía sau nếu có nhu cầu mua để hợp thửa, hợp khối. Tuy là tuyến phố mới nhưng cảnh quan ở đây đã vô cùng nhếch nhác.

Trên địa bàn quận Đống Đa, tuyến phố Nam Đồng (kéo dài) cũng đã xuất hiện nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuyến phố này xuất hiện từ dự án cống hóa con mương có tên “Cống Chẹm”. Thi công từ năm 2016, ngay sau khi dự án hoàn thành đã xuất hiện hàng chục ngôi nhà có diện tích mặt bằng dưới 10m2, không đủ diện tích tối thiểu xây dựng nhà ở. Thậm chí chỉ còn một bức tường nhưng được rao bán với giá hơn 1 tỷ đồng.

Buông lỏng quản lý?

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, từ thời điểm 2005 trở đi, số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo đã được giám sát chặt chẽ, đến nay gần như không phát sinh thêm. Theo ông Quân, những ngôi nhà siêu mỏng, méo mới mọc lên ở Khương Thượng hay Nam Đồng (nối dài) là những công trình tạm, tiến độ xử lý chậm. Xử lý nhà mỏng, méo nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tiến độ, việc bàn giao dự án cho địa phương.

Trước tình trạng cố tình xây nhà để “hét giá” với các hộ phía trong có nhu cầu hợp thửa, hợp khối, ông Quân cho biết,  cơ quan nhà nước chỉ có vai trò trung gian, người bán và người mua tự quyết định giá theo giá thị trường, hài hoà lợi ích. Sau 3 tháng, cơ quan nhà nước sẽ thu hồi đất nếu 2 bên chưa thương lượng được. Tuy nhiên, nhà nước cũng gặp khó bởi chi phí bồi thường rất lớn trong khi phần đất lấy lại được khó sử dụng.

Về phía UBND quận Đống Đa, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị cho biết, UBND quận sẽ mời đại diện Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội cùng xuống thực địa thẩm định, rà soát những phần đất có công trình siêu mỏng, siêu méo xem đã được phê duyệt phương án đền bù hay chưa. Nếu đất đã được phê duyệt phương án đền bù mà người dân vẫn xây dựng, UBND quận sẽ yêu cầu tự tháo dỡ, trường hợp không tự tháo dỡ UBND phường sẽ lập kế hoạch cưỡng chế theo đúng quy định.

Thanh Tùng 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà siêu mỏng, siêu méo tái xuất ở Hà Nội