Nhiều nguy hại từ lạm dụng thuốc diệt cỏ

Hà Linh (T/h)|11/01/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cánh đồng lúa xã Định Hưng (Yên Định) những ngày cuối năm 2018. Nhiều thửa ruộng bỗng “cháy trắng” cỏ, gốc rạ. Lọ, vỏ thuốc BVTV vất bừa bãi trên khắp những con đường nhỏ dẫn ra ruộng; nổi lềnh bềnh, dồn về cuối các con kênh. Nhiều nông dân dọn ruộng chuẩn bị vụ mới còn vất lên bờ cả những chai lọ, vỏ thuốc BVTV đã nằm dưới lòng đất bấy lâu. Những vại cỏ ven đường cũng “cháy” khô. Thi thoảng lại xuất hiện những thửa ruộng đan xen còn màu xanh của cỏ. Nhiều hộ đã xuống giống mạ chuẩn bị cấy lúa vụ chiêm xuân.

– Để giảm công lao động, hầu hết nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ trong trồng trọt. Việc lạm dụng loại hoá chất này đang gây ra nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

>>> Người dân chặn xe chở rác vào bãi rác duy nhất ở Đà Nẵng

>>> Quảng Nam: Rác thải tồn đọng do thiếu kinh phí

Với nhiều nông dân, chuyện ấy chẳng có gì lạ bởi năm nào cũng như năm nào, họ đều sử dụng các loại thuốc trừ cỏ với tên thường gọi “cỏ cháy” hoặc “cỏ già”. Loại thuốc trừ cỏ này thông thường có chứa hoạt chất Paraquat, một hoạt chất được nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng đối với đất khai hoang, đất không trồng trọt; thường có thời gian cách ly không xác định; có nguy cơ gây hại cho đất và con người rất lâu dài.

Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Đường, trú tại thôn Lý Yên, xã Định Tường (Yên Định) đang gieo mạ để chuẩn bị cấy vụ chiêm xuân 2018-2019. Toàn bộ diện tích 4 sào ruộng lúa cánh đồng Quán bà thuê lại của một hộ dân tại thôn Vệ 1, xã Định Hưng để sản xuất. Tất cả đều được bà phun bằng thuốc “cỏ cháy”. Buổi sáng bơm thuốc, buổi chiều toàn bộ gốc rạ, tất tần tật các loại cỏ đều “chết cháy”. Theo bà Đường, không chỉ gia đình bà mà rất nhiều hộ dân tại Định Hưng đều sử dụng phương pháp này để đỡ tốn công làm cỏ.

“Thuốc này chúng tôi chỉ quen gọi là thuốc cỏ cháy nhanh và cháy chậm chứ không nhớ tên gì. Hầu hết các cửa hàng BVTV trên địa bàn đều có bán loại thuốc này. Làm như thế này vừa nhanh lại vừa đỡ tốn công, không ảnh hưởng gì đến năng suất lúa cả. Chính quyền địa phương cũng không khuyến cáo gì nên chúng tôi thấy phương án nào thuận lợi thì làm thôi” – bà Đường cho biết.

Theo một số người dân xã Định Hưng, không chỉ phun trên ruộng lúa, nhiều nông dân còn phun cả trên ruộng màu trước khi vào vụ sản xuất. Chị Minh, một người dân thôn Diên Hy 1 có nhà ở gần cánh đồng màu khẳng định, những cánh đồng ớt xanh tốt kia, trước khi được trồng ớt đều được bà con phun thuốc “cỏ cháy”. Ngay cả thửa đất màu vừa thuê được sát nhà, chị Minh cũng đã phun thuốc “cỏ cháy” và dự định phun tiếp 1 lần nữa trước khi trồng dây khoai lang và các loại rau để sử dụng.

“Phun lần 1 nhưng cỏ chưa chết hết. Ít bữa nữa tôi lại thuê người phun tiếp để diệt cỏ, trồng rau ăn. Tôi cũng chẳng biết thuốc gì và độ độc hại của nó thế nào, chỉ nghe nói là “cỏ cháy” thôi” – chị Minh phân trần.

Việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng. Khi phun trên kênh mương, hoạt chất tan theo nước, chảy đến nơi khác và tích tụ trong động vật thuỷ sinh. Nếu con người ăn thịt của động vật này thì cơ thể bị nhiễm hoá chất. Hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước.

Thuốc trừ cỏ còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp và phát sinh nhiều đối tượng mới.

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, cũng như phát huy tối đa hiệu quả của thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng, bà con nông dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp canh tác an toàn.

Hà Linh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nguy hại từ lạm dụng thuốc diệt cỏ