NHÌN MÀ ….KHIẾP

(Theo Hải Phong – Mai Quý – T/C Môi trường và Cuộc sống)|04/09/2016 14:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Sản xuất nước uống đóng chai, đá dùng liền:

(Moitruong.net.vn)Tình trạng vi phạm quy định về ATVSTP của nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đá dùng liền tại Tp.Hà Nội đang diễn ra khá phức tạp. Cũng theo cơ quan chức năng thì nguyên nhân của thực trạng trên là do một số cơ sở sản xuất chưa đầu tư đúng mức về hệ thống trang thiết bị sản xuất cũng như chưa đảm bảo quy trình sản xuất theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội hiện có trên 455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai (hay còn gọi là nước tinh khiết). Từ đầu năm đến nay Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra trên 300 cơ sở, đoàn đã ra quyết định đình chỉ và xử phạt nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời lấy mẫu nước kiểm nghiệm và công bố, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Sự vào cuộc quyết liệt của Thành phố là như vậy, tuy nhiên tình trạng các cơ sở sản xuất vi phạm về VSATTP vẫn xảy ra tràn lan. Để nắm bắt và phản ánh một cách chân thực rõ nét về việc chấp hành các quy định nhà nước về ATVSTP trong sản xuất nước uống đóng chai. Chúng tôi đã tìm về quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm.

VI PHẠM TRÀN LAN

Tại cơ sở nước uống đóng chai Hải Dương có địa chỉ khu An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, bước vào khu sản xuất nỗi kinh hoàng về điều kiện sản xuất khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Nơi sản xuất nước của cơ sở đặt tận trong con ngõ ngoằn nghèo sâu hun hút. Trước mắt chúng tôi là một căn nhà cấp bốn lụp xụp có tấm biển quảng cáo ghi “cơ sở xuất nước uống đóng bình Hải Dương” càng đi sâu vào trong khu sản xuất nước của cơ sở Hải Dương thì nỗi kinh hoàng mỗi lúc một tăng. Nơi được gọi là “xưởng  sản xuất nước uống đóng chai” chỉ là một nhà cấp 4 lợp Phibrô xi măng rộng chừng hơn 30m2 được cải tạo lại để sản xuất nước. Do khu sản xuất chật chội nên “xưởng sản xuất nước” này không thể bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều theo quy định của Bộ y tế, cửa ra vào đều đi chung một cửa, kế bên cửa đi ra vào là nhà vệ sinh ruồi nhặng bay khắp nơi. Cơ sở có phòng đóng chiết nước nhưng không có trần, bên trong phòng đóng nước không có đèn tia cực tím, đặc biệt trong phòng đóng nước của cơ sở dùng để rửa nồi, bát đũa khi sinh hoạt, cơ sở sản xuất không phân khu riêng biệt, súc rửa, đóng nước đều cùng chung một phòng rất lộn xộn và mất vệ sinh. Cơ sở cũng không có thiết bị chuyên dụng để vệ sinh vỏ bình, vỏ bình mang về được vứt lăn lóc dưới nền đất, sau đó được công nhân dùng nước rửa bát lau chùi, kỳ cọ rồi tráng qua nước cho hết bọt, sau đó được tráng qua một lần nước sạch rồi mang vào nơi đóng chiết, công nhân tham gia sản xuất không được trang bị bảo hộ lao động. Vỏ bình và nước thành phẩm không được kê cao trên giá kệ mà tất cả đều để bệt xuống nền nhà xưởng rất bẩn. Nguy hiểm hơn là cơ sở dùng vòi nhựa đấu với hệ thống RO rồi dòng vòi ra ngoài để đóng nước, cứ bình này đầy sau đó lại chuyển sang bình kia và quy trình sản xuất cứ thế tiếp diễn. Với cách sản xuất nước uống đóng chai của cơ sở nước Hải Dương như thế này, thử hỏi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm có đảm bảo? không biết đã có bao nhiêu người bị dùng phải sản phẩm nước sản xuất “bẩn” của cơ sở Hải Dương?.

Untitled-13

Những chai nước Hải Dương được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh thực phẩm như thế này, liệu chất lượng nước có đảm bảo?

Tiếp đó chúng tôi thâm nhập vào xưởng sản xuất nước “Hoàn Sơn” của Công ty TNHH Vận tải Hoàn Sơn tại 89 đường 1, Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, Xưởng sản xuất nước của công ty này khá hơn cơ sở Hải Dương một chút. Tuy nhiên đi sâu vào trong khu sản xuất thì chúng tôi được chứng kiến cảnh sản xuất lộn xộn và, sản xuất chưa theo nguyên tắc một chiều.  Trong phòng đóng triết không có giá kệ, vào ra chung một cửa, nước thành phẩm để bệt xuống nền, công nhân không được trang bị BHLĐ đầy đủ. Nền nhà trong phòng đóng chiết luôn ứ đọng nước không có lối thoát nên sẽ là nơi lý tưởng để vi khẩn ecoli gây tiêu chảy sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, bên cạnh sản xuất nước uống đóng chai, công ty TNHH Hoàn Sơn ngang nhiên sản xuất đá viên (nước đá dùng liền) không phép tại ngõ 155, đường 1 Cửu Việt diễn ra trong thời gian dài, nhưng không có cơ quan ban ngành của thị trấn, UBND huyện và Chi cục VSATTP đến kiểm tra. Trong quá trình sản xuất cơ sở gây ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân xung quanh. Theo người dân, đã phản ánh nhiều lần tới chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết, vì thành phần trong công ty này toàn người “có máu mặt” nên người dân ngại va chạm. Được biết ngày 29/6 vừa qua, đoàn kiểm tra VSATTP huyện Gia Lâm có kiểm tra công ty và phát hiện một số sai phạm về sản xuất nước đóng chai: Thiếu hóa đơn vỏ bình, không xét nghiệm sản phẩm định kỳ, tuy nhiên tại xưởng sản xuất đá viên đoàn lại không phát hiện kiểm tra mà để cơ sở sản xuất chui suốt mấy năm qua?

CHÍNH QUYỀN, CƠ QUAN CHỨC NĂNG CÓ BIẾT?

Khác với 2 cơ sở sản xuất nước đóng chai ở trên, Cơ sở sản xuất nước đá dùng liền của Công ty cổ phần nước đá Tràng Tiền có địa chỉ tại số nhà 17, ngách 35, ngõ 76 An Dương, Tây Hồ, cũng không có gì sáng sủa hơn,  theo ghi nhận của chúng tôi được biết công ty hoạt động đến nay được 2 năm, cơ sở sản xuất trong một không gian chật chội, không có phòng thay đồ, công nhân không được trang bị đúng bảo hộ lao động theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đề ra, không có giá kệ để thành phẩm, máng đá không được trang bị lắp đậy, tường nhà xưởng thì ẩm mốc, bong tróc, …

Untitled-13

Nơi sản xuất của Công ty cổ phần nước đá Tràng Tiền chật chội và bẩn thỉu.

Khi được hỏi về hoạt động của xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân xung quanh, anh Nguyễn Văn Tiệp  – quản lý thừa nhận, hoạt động sản xuất của cơ sở chủ yếu diễn ra vào thời gian ban đêm, trong khoảng từ 22h đêm đến 5h sáng. Theo đó, khoảng thời gian ban đêm là thời gian yên tĩnh nhưng hoạt động sản xuất đá sạch của cơ sở lại diễn ra vào đúng khoảng thời gian này làm cho tiếng ồn càng vang vọng tạo cảm giác phiền toái, khó chịu cho người dân xung quanh xưởng. Ngoài ra anh Tuấn – quản lý nói vừa rồi cũng có đoàn của Quận xuống kiểm tra, qua kiểm tra tất cả đều tốt nhưng không cung cấp được bất cứ một giấy tờ hoạt động và thủ tục pháp lý gì của cơ sở.

Thực tế đó cho thấy, cơ sở đã không đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực sản xuất. Tuy nhiên, cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động mà không gặp phải bất kì sự kiểm tra và xử lý nghiêm minh của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Qua sự việc trên dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng, đoàn kiểm tra chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” và kiểm tra cho có? Hay do nguyên nhân nào đó mà đoàn kiểm tra không làm hết trách nhiệm của mình? Trách nhiệm của Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội ở đâu? Liệu có hay không sự “mập mờ” trong việc cấp giấy chứng nhận cho cơ sở này?

Bên cạnh những cơ sở sản xuất không tuân thủ các quy định về VSATTP, cơ sở đá viên An Bình tại Tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ  mới đi vào hoạt động nhưng đã có sự đầu tư nhất định, nhà xưởng khép kín, sản phẩm kiểm nghiệm định kỳ, và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Do vậy sản phẩm được đông đảo người dân tín nhiệm.

Thiết nghĩ để giữ gìn sức khoẻ cho bản thân và gia đình khi sử dụng nước uống đóng chai, đá dùng liền thì mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, hãy chọn những hãng nước có uy tín, có đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất nước. Cùng với đó thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ngành các cấp có liên quan, đặc biệt là ngành y tế để nhanh chóng lập lại trật tự ngành sản xuất nước vốn đang khó kiểm soát này.

(Theo Hải Phong – Mai Quý – T/C Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NHÌN MÀ ….KHIẾP