Có rất nhiều cái cũ, điều cũ thuộc về những ngày xa xưa, người ta có thể dễ dàng quên đi để thay thế bằng những suy tư mới trong vòng xoay cuộc đời. Vậy mà, có một mảng kí ức vẫn còn đọng lại và ám ảnh khôn nguôi, được nhiều người cất giữ, nâng niu như một hoài niệm đẹp, đong đầy luyến nhớ. Đó là những mùa Tết cũ…

>>> Miền Bắc ấm áp, Nam Bộ nóng oi trong Tết Nguyên đán

>>> Năm 2018, trên 10.000 người trên thế giới bị thảm họa thiên tai cướp đi sinh mạng

Nhớ mùa Tết cũ…

Tôi lại thích gọi bằng một cái tên khác, mộc mạc hơn: Mùi Tết cũ. Cái cũ ở đây không nhất thiết phải được xác định một cách rạch ròi về mặt thời gian, là 10 năm, 20 năm về trước hay lâu hơn nữa. Chỉ biết rằng, từ những ngày rất xưa, cái mùi tết đặc trưng ấy hiện vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi tới tận hôm nay mỗi khi hồi tưởng lại.

Đó là mùi vôi mới hăng hắc của bức tường căn nhà nhỏ được phủ trắng tinh tươm ngày cuối chạp. Tôi đã thuộc nằm lòng và hiểu đến tận cùng ý nghĩa của câu nói dân gian: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” mà bà tôi thường nhắc. Để rồi mỗi dịp tết đến, tôi lại đon đả phụ bố quét vôi, tân trang lại nhà cửa. Cảm giác vô cùng thích thú, hân hoan khi công việc hoàn thành, được chiêm ngưỡng ngôi nhà của mình khoác chiếc áo mới, sáng hơn, đẹp hơn trước thềm xuân.

Đó là cái mùi “hỗn hợp” chua cay mặn ngọt của hũ dưa món, củ kiệu được mẹ tôi kì công chuẩn bị và tỉ mẩn ước lượng thời gian để có thể kịp dùng trong dịp tết. Chỉ cần sớm hoặc muộn một vài ngày là món ăn sẽ giảm chất lượng ngay. Món dưa dân dã của mẹ trong mấy ngày Tết là món bắt cơm nhất, ăn hoài không biết chán và dường như không vắng mặt trong bất cứ một mâm cỗ tết nào ngày ấy.

Mùi Tết cũ còn là mùi của nồi nước tắm chiều 30 được mẹ chu đáo chuẩn bị cho cả nhà tắm gội. Thứ nước tắm đặc biệt ấy được nấu từ cây mùi già, khi đun lên cho mùi thơm cay dìu dịu, rất quyến rũ. Khác với nhiều loài cây cỏ cho mùi thơm khác như khuynh diệp, bạc hà hay lá bưởi, mùi già để lại hương thơm rất sâu và đọng lại rất lâu, phảng phất cả mấy ngày tết. Theo quan niệm dân gian, ngày cuối năm được tắm gội bằng thứ “nước thơm” của cây mùi già sẽ giúp người người trút bỏ được những gì năm cũ còn sót lại, đặc biệt là những ước nguyện chưa tròn hay những nỗi muộn phiền còn canh cánh trong tâm tư.

Trong bộn bề kí ức tuổi thơ tôi, mùi khói pháo đêm giao thừa cũng là một nét chấm phá đặc biệt trong vạn mùi Tết cũ. Tiếng pháo giao thừa đánh dấu khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới, cứ thế đồng loạt vang lên rộn rã khắp làng trên xóm dưới. Mùi khói pháo quyện hơi xuân bay lên, phả vào không gian tết sự huyên náo đến vô cùng.

Nhớ mùi Tết cũ, trong tâm tưởng tôi còn hằn in mùi mồ hôi chát mặn đọng trên trán, trên vai, vương trên muôn nỗi nhọc nhằn của bố mẹ, hòa lẫn trong tiếng thở dài thành câu cửa miệng mỗi khi tết đến:“Lại Tết rồi. Con nít thì mừng, người lớn thì lo”. Là than van vậy thôi, nhưng dẫu khó khăn đến mấy, mẹ vẫn cố gắng đắp đổi để sắm cho anh em tôi một tấm áo mới, đôi dép mới. Tấm áo mới mặc trong ngày tết được tôi nâng niu, giữ gìn cẩn thận như một “vật báu” và thỏa thê hít hà mùi vải thơm tho trong hạnh phúc rạng ngời…

Hôm nay đây, ngồi hồi tưởng lại mùi Tết cũ, tôi có giây phút trải lòng với những mùa tết đã lùi vào quá vãng xưa xa, để hoài niệm về dư vị Tết đặn đầy một thuở. Cái thuở mà mỗi cái tết đều đến trong thiếu thốn muôn phần nhưng tình thân luôn đượm nồng, ấm áp; mỗi cái tết đều bị bủa vây bởi cái nghèo nhưng người người vẫn ứng xử với nhau chan hòa, vẹn tròn ân nghĩa trước sau.

Ngô Thế Lâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mùi Tết cũ…!