Những lưu ý khi dự trữ thực phẩm

Hoa Lê (t/h)|14/07/2021 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương có khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài. Việc mua đồ dự trữ vừa đủ cho thời gian ở nhà chống dịch và để bảo đảm thực phẩm luôn tươi ngon, an toàn cho sức khỏe, các bà nội trợ cần chú ý cách bảo quản đúng cách.

Ảnh minh họa

Bảo quản thức ăn đã nấu chín

Với những thực phẩm tươi sống không để được lâu, đồ nấu nhưng chưa ăn hết hoặc đơn giản chỉ vì bạn muốn nấu 1 lần rồi bảo quản để sau chỉ cần đun nóng lại là có thể dùng được ngay, bạn có thể bảo quản lạnh bằng cách cho chúng vào hộp kín và cất vào ngăn lạnh của tủ lạnh (nếu sử dụng trong vòng 2 ngày, sau 2 ngày không nên sử dụng nữa) hoặc ngăn đá (nếu sử dụng trong vòng 3-4 ngày tới, sau 4 ngày không nên sử dụng nữa).

Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng trong thời gian lâu hơn 4 ngày thì tốt nhất bạn không nên nấu thức ăn lên mà hãy sử dụng các phương pháp bảo quản khác.

Điều quan trọng bạn cần nhớ là muốn bảo quản thực phẩm đã nấu chín bằng cách này thì phải để cho thức ăn nguội rồi mới cho vào hộp và cất trữ, bởi nếu làm như vậy sự thay đổi đột ngột nhiệt độ sẽ khiến dinh dưỡng trong thức ăn bị biến đổi. Với cơm, bạn không nên bảo quản cơm nguội, chỉ nên vừa đủ số lượng cơm cho cả gia đình ăn.

Rau, củ, quả

Khi mua các loại rau, củ, quả, chúng ta nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không dập nát, héo úa hay có mùi lạ… Rau, củ, quả sau khi mua về cần nhặt bỏ những phần bị héo úa, rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra và loại bỏ ngay những phần rau, củ, quả bị hỏng, dập nát để tránh làm hỏng phần rau củ, trái cây bên cạnh.

Thịt, cá

Thịt, cá tươi sống khi mua về cần được làm sạch, cho vào hộp, túi ni lông, buộc kín và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi bảo quản trong tủ lạnh, nên chia thịt, cá ra các phần nhỏ, dán tem ghi ngày, giờ bắt đầu bảo quản. Khi sử dụng, hãy dùng những thực phẩm có thời hạn dùng gần nhất.

Lưu ý, cần tách riêng thực phẩm sống và các thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh để tránh làm bám mùi và nhiễm khuẩn chéo. Chỉ nên rã đông thịt, cá đã trữ đông 1 lần rồi dùng hết, không nên rã đông xong lại cho vào ngăn đông bảo quản tiếp để tránh làm thực phẩm bị biến đổi mùi vị, màu sắc, chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đảm bảo nhiệt độ trong tủ lạnh luôn ổn định

Yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến các loại thực phẩm chính là sự dao động nhiệt của tủ lạnh. Nếu muốn dự trữ nhiều đồ ăn trong suốt một tuần, bạn nên chia thành các phần nhỏ, tránh để trong các hộp hoặc túi cồng kềnh vì sẽ chặn hết luồng khí lưu thông từ trong ra ngoài. Khi luồng khí lưu thông bị chặn, các thực phẩm đặt ở phía mép hoặc cửa tủ sẽ không nhận đủ khí lạnh dẫn đến nhanh hỏng. Bên cạnh đó, không nên mở tủ lạnh quá nhiều để hạn chế thất thoát khí lạnh.

Khi bảo quản thực phẩm, bạn cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, cụ thể như sau:

Bảo quản khô: Lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ từ 50 – 70 độ F, tránh xa ánh sáng vì làm giảm tuổi thọ sản phẩm. Đặc biệt, không để thực phẩm trên sàn hoặc sát mép tường.

Bảo quản lạnh: Cần duy trì nhiệt độ trong tủ từ 32 – 40 độ F.

Bảo quản đông: Duy trì nhiệt độ từ 0 độ F hoặc thấp hơn.

Hoa Lê (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lưu ý khi dự trữ thực phẩm