(Moitruong.net.vn)

Những ngày giáp Tết, trong khi mọi người mua sắm chuẩn bị đón năm mới, những ngư dân tỉnh Bình Định lại sẵn sàng chuẩn bị ra khơi, ăn Tết trên biển.

Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân, trong khi mọi người tất tả mua sắm đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết thì trên các vùng biển xa hay tại các cơ sở đóng tàu thuyền ở tỉnh Bình Định vẫn rộn ràng tiếng cưa xẻ đóng những con tàu lớn chinh phục biển xa.

vov_an_tet_tren_bien_1_tudf

Gần Tết nhưng các thợ lành nghề vẫn miệt mài làm việc quên thời gian.

Những ngày này, tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tấp nập những chuyến tàu cập bến và những con tàu chuẩn bị vươn khơi. Sau 20 ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với muôn vàn khó khăn để “Mẹ thiên nhiên” ban tặng cho họ những khoang tàu đầy ắp cá tôm.
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Hưng, 40 tuổi quê xứ dừa Hoài Nhơn đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với biển cả. Đối mặt với những con sóng dữ từ khi tóc còn xanh đến nay. Anh Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, đến nay anh đã có 19 năm không ăn Tết cùng gia đình. Vừa kết thúc chuyến biển, anh em lại khẩn trương chuẩn bị đầy đủ bánh tét, dưa hành, rượu bia… cùng bạn thuyền đón Tết trên biển.
Anh Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ: “Giao thừa anh em cũng nghỉ ngơi trong nửa tiếng rồi cũng mở đài nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Đã xác định đi Tết rồi ra mồng 1, mồng 2, mồng 3 cũng vẫn làm bình thường. Nói cho cùng cuộc sống mình là cuộc sống biển, mình đã xác định đi biển là phải chấp nhận chuyện đó”.
vov_an_tet_tren_bien_2_utdy
Xong chuyến biển, ngư dân tiếp tục lên đường.
Thời điểm cuối năm, Tết cận kề, hầu hết các tàu cá tất bật chuẩn bị cho chuyến biển mới, để những mẻ cá tươi ngon phục vụ người dân những ngày đầu năm mới. Thế nhưng, năm nay ngư dân Trần Bảo ở huyện Hoài Nhơn lại không may mắn như vậy. Cách đây hơn 1 tháng, tàu cá của anh từ vùng biển Trường Sa trở về thì gặp sóng dữ đánh chìm tàu, khối tài sản trị giá hơn 4 tỷ đồng vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Tiếc của nhưng nhất quyết không quay lưng lại với biển cả, Trần Bảo tiếp tục gom góp, vay mượn nhà nước, gia đình, anh em bạn bè… và chờ tiền bảo hiểm đóng tiếp con tàu lớn, hiện đại hơn, công suất hơn 800 sức ngựa để tiếp tục vươn khơi.
Trần Bảo tâm sự: “Năm nay nói chung thuận lợi, làm có thu nhập. Chạy về rồi để chuẩn bị đi nữa thì nó bị mất. Bây giờ nhà nước ưu tiên đi ra đánh bắt xa mà, mình làm ghe công suất lớn ra đánh bắt để đạt hơn. Kiếm sẵn 15 thuyền viên, bao gồm cả thuyền trưởng và máy trưởng. Ở đây làm biển, có thu nhập mình cứ đóng tàu đi làm thôi”.
Tỉnh Bình Định có đội tàu thuyền nhiều nhất miền Trung với gần 8.000 chiếc. Đây cũng là địa phương có cơ sở đóng tàu gỗ quy mô ở khu vực; đồng thời đi đầu trong việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ. Địa phương này xác định nghề biển là ngành kinh tế mũi nhọn nên có bước đột phá trong Đề án đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Đề án này đã triển khai được 2 năm và đang mang lại tín hiệu tích cực.
Năm 2016, thiên tai bão lũ cũng khiến ngư dân bám biển lao đao. Hàng chục lượt tàu cá gặp nạn trên biển, nhiều ngư dân mãi mãi không trở về do sóng to, gió lớn. 5 đợt lũ liên tiếp cũng làm 22 tàu cá công suất lớn bị vỡ, chìm. Thế nhưng, ngay sau lũ, các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân tiếp tục có động lực bám biển vươn khơi xa.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: “Chúng tôi đã hỗ trợ khẩn cấp kể cả sức người, sức của và cũng kịp thời hỗ trợ kinh phí bước đầu để sửa chữa lại các con tàu. Các tàu bị chìm, bị đắm, chúng tôi cũng có chính sách hỗ trợ để họ tiếp tục đóng lại tàu thuyền để ra khơi. Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện để các hộ có tàu bị chìm, bị đắm có điều kiện khôi phục lại sản xuất. Cũng đang vận động bà con tiếp tục ra khơi bám biển để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc”.
Ăn Tết trên biển Hoàng Sa, Trường Sa không còn xa lạ với ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân tỉnh Bình Định. Xác định bám biển vươn khơi là nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, mỗi ngư dân mang trên mình nghĩa vụ thiêng liêng là “bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”. Nhiệm vụ ấy được từng ngư dân, từng con tàu tự nguyện gắn lên mình để mang mùa xuân yên bình cho mọi nhà./.
Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ngư dân đón Tết trên biển