Ninh Thuận: Chấn chỉnh tình trạng nuôi heo gây ô nhiễm môi trường

14/10/2017 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sau khi thịt heo có giá trở lại, các chủ trại nuôi tại Ninh Thuận đang có xu hướng đầu tư tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, do việc đầu tư chuồng trại không đảm bảo vấn đề xử lý phân và nước thải, nhiều trại nuôi xen lẫn trong khu dân cư nên đã gây ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.

Ninh Thuận chấn chỉnh tình trạng nuôi heo gây ô nhiễm môi trường

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 48 trang trại chăn nuôi với đàn heo gần 30 ngàn con; chưa kể nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ rải rác ở vùng nông thôn với tổng đàn heo gần 37 ngàn con, trong đó có 8,5 ngàn con heo nái và khoảng 29,5 ngàn con heo thịt. Trong số các trại nuôi heo, tập trung nhất là tại 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái với 40 trang trại; tiếp đến là các huyện: Ninh Phước có 4 trang trại, Thuận Bắc 3 trang trại và Thuận Nam 1 trang trại.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu hết các trang trại đều được phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường, bao gồm đánh giá tác động môi trường, cam kết và đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra phần lớn các trang trại xây dựng chưa đúng và đầy đủ các hạng mục công trình xử lý nước thải như đã cam kết.

Cụ thể, có 22 trang trại xây dựng chưa đúng và đầy đủ các hạng mục xử lý nước thải, 5 trang trại có công trình xử lý nước thải bị hư hỏng nhưng không khắc phục sửa chữa kịp thời, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt có 4 trang trại chưa có hồ sơ môi trường, thậm chí có trang trại chỉ làm hồ lưu chứa phân và nước thải mà không làm hệ thống xử lý nước thải. Đơn cử gần đây tại thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước), người dân địa phương đã kiến nghị chính quyền xã xử lý trường hợp hộ ông Huỳnh Quốc Châu nuôi heo nhưng hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo, đã khiến nước thải chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm một số khu vực. UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản và đề nghị hộ ông Châu khắc phục đắp bờ bao hồ sinh thái, có giải pháp tiếp theo để sớm ổn định đời sống và môi trường cho người dân địa phương.

Ông Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết: Theo quy định, trang trại chăn nuôi heo ngoài việc phải đảm bảo về hạ tầng chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải còn phải thực hiện chương trình giám sát chất lượng nước thải và không khí xung quanh định kỳ 3-6 tháng/lần. Nhưng hiện nay toàn tỉnh chỉ một vài cơ sở thực hiện, còn lại hầu hết đều không tuân thủ quy định này. Qua lấy mẫu nước thải tại 23 trang trại để phân tích các thông số ô nhiễm chính như COD, TSS, tổng Nitơ cho thấy có 14/23 trang trại (chiếm 60%) có nồng độ các thông số ô nhiễm vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi từ 1,1-5,3 lần cho phép. Như vậy, có thể khẳng định số lượng trang trại chấp hành đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.

Trước thực trạng nuôi heo gây ô nhiễm hiện nay, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đề nghị các chủ trang trại chăn nuôi thực hiện đúng theo đề án bảo vệ môi trường về xử lý chất thải, sớm khắc phục các tồn tại nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Yêu cầu các trang trại thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình xử lý chất thải, nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường, định kỳ có tổ chức giám sát môi trường theo quy định.

Mặt khác, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc chăn nuôi heo bảo vệ môi trường. Về lâu dài cần quy hoạch vùng nuôi heo tập trung và thực hiện đúng định hướng phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh để việc phát triển chăn nuôi thực sự bền vững gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo NTO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Chấn chỉnh tình trạng nuôi heo gây ô nhiễm môi trường