Nữ du kích trong bài thơ Núi Đôi được truy tặng danh hiệu Anh hùng

Theo Phụ nữ Việt Nam|29/05/2018 07:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ảnh chân dung nữ Anh hùng Trần Thị Bắc

(Moitruong.net.vn) – Liệt sĩ Trần Thị Bắc, nhân vật nữ du kích trong bài thơ Núi đôi của nhà thơ Vũ Cao, vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược theo quyết định số 626/QĐ-CTN ngày 26/4/2018 của Chủ tịch nước.

Ảnh chân dung nữ Anh hùng Trần Thị Bắc

Chị Trần Thị Bắc sinh năm 1932 tại xã Lạc Long, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1949, khi vừa tròn 17 tuổi, chị tham gia cách mạng, vào Ban Chấp hành phụ nữ xã. Cũng lúc đó, thực hiện chủ trương thành lập các tổ phụ nữ du kích, thiếu niên du kích, phụ lão du kích của chi bộ…, chị được kết nạp vào du kích xã. Năm 1950, chị Trần Thị Bắc được cử đi học lớp y tá rồi trở về kiêm thêm nhiệm vụ cứu thương. Nhanh nhẹn, hoạt bát, nắm vững địa hình nên từ năm 1951, chị được giao cả 3 nhiệm vụ là quân báo, cứu thương và binh vận. Thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao phó, chị đã bám địa hình, theo sát hoạt động của địch để kịp thời báo lên cấp trên.

Trong thời gian này, địch ở bốt Núi Đôi lệnh cho bọn lính bảo hoàng vào các làng, xã xung quanh, mỗi ngày phải tập hợp khoảng 40 người dân địa phương vào làm phu phen, tạp dịch, trồng rau, chăn nuôi, gánh nước… cho chúng. Chị Trần Thị Bắc cũng bị địch bắt đi làm phu phen, có lần thì chị chủ động thâm nhập vào đoàn người đi làm phu phen để dò la tin tức cũng như nắm tình hình địch đóng quân chốt giữ tại đây, nhờ đó mà chị thông thạo được địa hình khu vực này.

Với hình thức hoạt động bán công khai, không những bọn địch không nghi ngờ mà chúng còn rất quý mến chị. Có những tên chỉ huy khi vào làng càn quét đã đến thăm nhà Trần Thị Bắc và có ý ngỏ lời muốn lấy chị làm vợ bé. Lợi dụng tình thế ấy, chị đã linh hoạt chuyển ngay sang hình thức làm công tác binh vận, địch vận đối với những tên này.

Bằng những lời lẽ đầy thuyết phục, chị đã thành công trong việc vận động tên cai Năm và cai Đinh tự động mang súng ra hàng cách mạng. Hai người đồng chí thường xuyên móc nối hoạt động là ông Tám Hồng (người làng Thu Thủy, Xuân Thu) làm thợ mộc trong khu bốt Núi Đôi và bà Tuệ (người làng Xuân Dục), là vợ Tây. Nhờ đó, chị có được những tin tức về tình hình tề ngụy và kế hoạch càn quét của chúng. Có những thông tin quan trọng do chị cung cấp kịp thời nên một số cơ sở của ta tránh được những tổn thất về lực lượng.

Sau một thời gian địch tiếp tục tăng cường hoạt động, chúng tập trung hỏa lực, lực lượng đánh vào Đồng Múi. Lực lượng du kích Lạc Long, trong đó có nữ du kích Trần Thị Bắc đã phối hợp với du kích các xã Dũng Tiến, Tân Minh, đơn vị quân báo, bộ đội 472 chiến đấu kiên cường, dùng cách đánh phục kích, cài mìn, đặc biệt đánh độn thổ… gây cho địch nhiều thiệt hại, tiêu diệt 7 tên, bắt sống 2 tên.

Trong những năm 1952-1953, nữ du kích Trần Thị Bắc đã cùng du kích Lạc Long tiếp tục đánh nhiều trận, đặc biệt có 2 trận phá hủy một xe Jeep và một chiếc xe tải chở gạo, tiêu diệt một số tên địch, thu một số súng của chúng.

Vào khoảng 22h ngày 16/3/1954, lính commăng đô từ bốt Phù Lỗ lên đi càn, song được sự chỉ đạo của cấp trên, chị đã không ngần ngại thực hiện nhiệm vụ được giao phó. Chị đi trước thăm dò, khi đến khu vực ruộng rau ở bãi Thái Hòa thì bị rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng bắt chị, bịt miệng với ý địch sẽ phục chờ và bắt nốt số người đi sau. Biết được âm mưu của địch, chị đã chống cự quyết liệt và hét to lên để đánh động. Bất ngờ trước hành động của chị, bọn địch đã điên cuồng bắn một băng đạn vào người chị và cũng nhờ vậy, đoàn cán bộ, nhân dân cùng đi kịp thời phát hiện và rút lui an toàn. Chị Trần Thị Bắc đã anh dũng hy sinh để giành lấy sự an toàn cho đồng đội và nhân dân.

Gương hy sinh của chị đã viết tiếp những trang sử hào hùng về truyền thống cách mạng quật cường của cán bộ, nhân dân xã Phù Linh và huyện Sóc Sơn anh hùng.

Năm 1956, chị Trần Thị Bắc được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ. Đến tháng 8/1961, chị được Hội đồng Chính phủ truy tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì.

Theo Phụ nữ Việt Nam

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ du kích trong bài thơ Núi Đôi được truy tặng danh hiệu Anh hùng