Nước chứa styren gây nguy hại mức nào khi cao hơn giới hạn cho phép 1,3-3,65 lần?

Hạnh An (t/h)|15/10/2019 08:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 1 tuần sau khi phát hiện nguồn nước sạch trên địa bàn Hà Nội có mùi lạ, Kết quả xét nghiệm cho thấy nước sông Đà có mùi lạ do có chất styren cao hơn so với mức bình thường.

Chiều 15/10, UBND thành phố Hà Nội họp báo thông tin về vụ nước sạch có mùi khét nồng nặc, váng dầu trong những ngày qua. Kết quả, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi nước hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

UBND TP Hà Nội cho biết, các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Thành phố theo QCVN 01:2009/BYT xác định các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Cư dân chung cư HH Linh Đàm dùng nước từ xe bồn chở đến do lo ngại nước sinh hoạt có mùi lạ. Ảnh Ngọc Thành

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.

Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Một chuyên gia của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho hay, Styren tồn tại khá phổ biến trong môi trường sống, có trong khói thuốc lá, khí thải phương tiện giao thông, trong công nghiệp hoá dầu, sản xuất cao su, nhựa, thậm chí, có trong hộp xốp đựng thực phẩm.

Trong nước, chất này có thể bay hơi hết sau 24-48 giờ; nếu vào cơ thể, có thể bán thải sau 8-9 giờ. Tuy nhiên, trong nước sinh hoạt, hàm lượng Styren chỉ được ở mức dưới 20 microgam/lít.

Theo chuyên gia này, nước sinh hoạt có hàm lượng chất này cao hơn mức cho phép so với tiêu chuẩn không được sử dụng cho người dân để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Cũng theo chuyên gia CDC, tuỳ loại hoá chất, nồng độ, mức độ, thời gian tiếp xúc có thể gây nhiễm độc cấp tính hay mãn tính. Hiện chưa có khuyến cáo cụ thể về Styren, nhưng về nguyên tắc, nước không đạt chuẩn thì không được cung cấp cho sinh hoạt.

Hạnh An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước chứa styren gây nguy hại mức nào khi cao hơn giới hạn cho phép 1,3-3,65 lần?