Nước sinh hoạt bị ô nhiễm: SOS

(Theo báo Hà Nội Mới)|01/08/2016 07:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Nhiều loại bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm khiến hàng nghìn hộ dân tại TP Hồ Chí Minh lo lắng, nhất là khi mạng lưới cấp nước sạch của thành phố chưa phủ kín 24 quận, huyện. Điều này dẫn tới nguy cơ số người mắc bệnh do sử dụng nguồn nước “bẩn” có thể gia tăng từng ngày.

Nuoc-nhiem-b

Nước nhiễm bẩn khiến người dân đối mặt nguy cơ bệnh tật.

Mới đây, gần 2.000 người dân sống gần bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) được chính quyền hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí. Theo đó, hàng trăm trường hợp bị phát hiện mắc các chứng bệnh liên quan đến ăn uống như viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, viêm họng, răng miệng, viêm tủy, suy nhược cơ thể… Đặc biệt, trong số người bị bệnh có không ít trường hợp bị phát hiện ung thư nghi do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, kết quả xét nghiệm 5 mẫu nước sinh hoạt được lấy ngẫu nhiên xung quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh cho thấy, nhiều chỉ tiêu không đạt, gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Trong số này, đáng nói là hàm lượng nitrat, amoni cao hơn mức cho phép. Điều này có thể kết luận nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ, có khả năng chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư cao. Ngoài Hóc Môn, kết quả lấy mẫu xét nghiệm tại các địa bàn khác như quận 12, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi,… cũng cho thấy, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều khu dân cư không bảo đảm. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, huyện Hóc Môn đứng đầu về các mẫu nước không đạt chỉ tiêu lý hóa (hơn 99%), quận 12 (gần 99%), huyện Củ Chi và quận Thủ Đức (hơn 98%), Bình Tân (hơn 93%), Bình Chánh (hơn 89%).

Hiện người dân TP Hồ Chí Minh sử dụng nước sinh hoạt từ nhiều nguồn khác nhau như: Nước máy (do 6 nhà máy nước cung cấp qua mạng lưới cấp nước); nước từ các trạm cấp nước; nước cấp qua ghe, xà lan, các vệ tinh trung chuyển; nước tự khai thác (giếng khoan, giếng đào, nước mưa, nước sông, ao, hồ…). Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, nước từ các hồ chứa nước chung cư, nước cấp qua ghe, xà lan, vệ tinh trung chuyển có nhiều mẫu chỉ tiêu vi sinh vượt giới hạn cho phép. Còn đối với nguồn nước người dân tự khai thác, hầu hết đều không đạt yêu cầu do độ PH thấp, hàm lượng kim loại nặng cao, một số mẫu có hàm lượng amoni vượt giới hạn cho phép nhiều lần.

Một trong những nguyên nhân khiến hàng chục nghìn hộ dân tại TP Hồ Chí Minh “khát” nước sạch là do nguồn nước máy khan hiếm, hạ tầng cấp nước vươn tới nhiều khu vực ngoại thành, chi phí cao trong khi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) gần như độc quyền cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân của thành phố. Tuy nhiên, Công ty này chỉ có hệ thống bể trữ nước sạch đáp ứng nhu cầu của người dân trong nửa ngày. Điều này cho thấy, bài toán cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân thành phố là vấn đề nan giải. Thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh rốt ráo chỉ đạo các cơ quan chức năng và Sawaco tăng cường đầu tư hệ thống xử lý, phát triển đường ống, xây dựng các trạm cấp nước để mở rộng mạng lưới cấp nước từ nội thành ra ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, công tác này đang thực hiện rất chậm do thiếu kinh phí, vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng khó khăn…

Theo các chuyên gia, việc bằng mọi cách để tăng số hộ dân được cung cấp nước đạt tiêu chuẩn chỉ là giải pháp “xoa dịu” vấn đề trong ngắn hạn, muốn có giải pháp chiến lược dài hạn, thành phố cần lựa chọn mô hình cấp nước phù hợp. Tại cuộc họp với các sở, ban, ngành mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan phải cấp nước cho tất cả người dân thành phố theo tiêu chuẩn chung và đến cuối năm 2016 phải đạt 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, với thực trạng sử dụng nước sinh hoạt như hiện nay, nhất là ở khu vực ngoại thành, xem ra mục tiêu này khó có thể đạt được.

(Theo báo Hà Nội Mới)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sinh hoạt bị ô nhiễm: SOS