Ô nhiễm môi trường từ phân bón hóa học (Bài 1): Nông dân lạm dụng trong trồng trọt

Quỳnh Mai|11/11/2020 13:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phân bón hóa học đang được sử dụng rất rộng rãi, thậm chí nó còn là yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến năng suất trồng trọt. Thế nhưng, việc sử dụng phân bón đã ở mức lạm dụng sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy về môi trường.

Lạm dụng phân bón hóa học vẫn phổ biến

Việt Nam là một đất nước với 70% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong cơ cấu của nền sản xuất nông nghiệp, phân bón là một thành tố vô cùng quan trọng và không thể thiếu, giúp thúc đẩy năng suất lao động, tăng sản lượng nông nghiệp và nâng cao chất lượng cây trồng.

Theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên nằm ở tập quán canh tác và nhiều nông dân chưa được đào tạo, tập huấn về sử dụng phân bón. Thực tế cho thấy, để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân đã tăng lượng phân bón gấp 2-3 lần, thậm chí 5-7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau, củ, quả. Ngoài ra, việc sử dụng đạm hóa chất trong trồng trọt bừa bãi khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người, ảnh hưởng tới nguồn gen các loài sinh vật. Đồng thời, phần dư thừa chưa được cây trồng hấp thu sẽ tồn lại trong đất hoặc bị rửa trôi theo nguồn nước mặt, nước mưa, gây ô nhiễm nguồn nước.

Việt Nam xuất hiện tình trạng lạm dụng phân bón hóa học như một thói quen

Theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%.

Việc người dân sử dụng bừa bãi các loại phân bón vô cơ không theo khuyến cáo của nhà sản xuất là nguyên nhân chính gây sản phẩm rau không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Gây lãng phí và ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đất, nguồn nước.

Thời gian gần đây, phân hữu cơ được sử dụng khá phổ biến ở một số vùng chuyên canh rau là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sử dụng cá loại phân hữu cơ, đặc biệt là các loại phân ủ chưa hoai và rác thải chưa được chế biến, có thể gây ô nhiễm môi trường. Nếu trong phân có mầm bệnh cũng là một nguyên nhân gây mất an toàn cho rau.

Dứt khoát thay đổi tập quán

Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả. Đáng lo ngại nhất là chất thải từ phân bón. Hiện cả nước có 26 triệu héc ta đất gieo trồng, tổng lượng phân bón sử dụng từ 10 đến 11 triệu tấn/năm. Theo tính toán của cơ quan chức năng, hiệu suất sử dụng phân đạm khi bón vào đất chỉ đạt 30-45%; phân lân 40-45%; kali 40-50% tùy theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón. Từ thực tế này, cơ quan chức năng ước tính việc sử dụng phân bón đang gây lãng phí 30.000 tỷ đồng/năm. Đáng lo ngại hơn, một lượng không nhỏ dư lượng do không được cây trồng hấp thu sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và có thể gây đột biến gen đối với một số cây trồng…

Để hạn chế tối đa lượng phân bón dư thừa trong đất do bón phân quá liều, nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp khuyến cáo cần bón phân cân đối, hợp lý, phù hợp với cây trồng, đất trồng, khí hậu, kỹ thuật canh tác.

Tình trạng lạm dụng phân bón hóa học sử dụng trên rau màu đang ở mức báo động

PGS.TS Nguyễn Như Hà, Trưởng bộ môn Nông hóa học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Mỗi loại phân bón thường thích hợp với một đối tượng sử dụng cụ thể, không hiệu quả đối với cây trồng này, đất này nhưng lại hiệu quả với cây trồng khác hay đất khác. Do đó, cần tăng cường mở các lớp tập huấn cho nông dân để họ có kiến thức chọn đúng loại và dạng phân phù hợp với cây trồng, tránh tình trạng bón phân vô tội vạ và không theo quy trình kỹ thuật.

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả chương trình 3 giảm (giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo trồng) để đạt 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Cùng với đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp) nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân hiểu đúng về kỹ thuật, các bộ, ngành liên quan phải làm tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Vì khi người dân mua phải loại phân bón này để sử dụng, hiệu quả vừa thấp, bị thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Những hậu quả không thể xem thường từ tình trạng lạm dụng phân bón trong trồng trọt cho thấy đã đến lúc phải dứt khoát nói “không” với tập quán sản xuất cũ. Làm được như vậy, bản thân người nông dân cả nước tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng và quan trọng hơn là sản xuất nông phẩm đạt chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Quỳnh Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường từ phân bón hóa học (Bài 1): Nông dân lạm dụng trong trồng trọt