Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật (Bài 3): Tăng cường công tác quản lý

Hồng Anh|06/08/2020 13:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn còn nhiều bất cập. Do vậy, công tác quản lý thuốc BVTV đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu, tiến đến loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV có vai trò quan trọng đối với phòng ngừa sâu bệnh gây hại cho cây trồng, tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc BVTV sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh. Trong khi đó, phần lớn thuốc BVTV có dạng gói, chai lọ nhựa khó phân hủy và sau khi sử dụng vẫn còn tồn đọng trong đó một lượng hóa chất, nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ dễ bị ngấm theo nguồn nước vào kênh mương, ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước.

Còn nhiều bất cập…

Việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng là biện pháp quan trọng, nhưng để khai thác tốt những mặt tích cực của thuốc BVTV thì cần nâng cao công tác quản lý.

Trong những năm qua, các quy định về quản lý thuốc BVTV luôn được rà soát, bổ sung, sửa đổi, nhằm đạt hiệu quả ở các khâu từ đăng ký, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đến tiêu hủy thuốc.

Theo Cục BVTV, đến nay, hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước về thuốc BVTV là tương đối đầy đủ. Đặc biệt, ngày 1/1/2015, Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật đã chính thức có hiệu lực. Đây là văn bản và cơ sở pháp lý cao nhất cho vấn đề quản lý, sử dụng, kinh doanh thuốc BVTV. Dưới Luật là một loạt các nghị định, thông tư giúp cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương thực thi tốt việc quản lý này từ khâu đăng ký, khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng các loại thuốc BVTV được đưa ra sử dụng tại Việt Nam cũng như trước khi nhập khẩu. Cho đến nay Việt Nam đã có hơn 600 tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho công tác từ khảo nghiệm cũng như công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng thuốc BVTV nhằm đưa các sản phẩm đến tay người dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Những chai lọ, gói nhựa đựng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng chưa được thu gom bỏ vào nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV được phân cấp cụ thể từ Trung ương đến địa phương, nhằm hướng dẫn và giám sát người nông dân sử dụng theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng lúc). Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin và tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho người dân theo đúng nội dung nhãn mác. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tập huấn bổ sung kiến thức mới cho hộ kinh doanh thuốc BVTV; tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, xử lý thu gom bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định cho hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân.

Trên cơ sở hành lang pháp lý tương đối đầy đủ như vậy thì đến nay các danh mục thuốc BVTV của Việt Nam có 4.068 sản phẩm, trong đó có gần 1.000 sản phẩm có nguồn gốc sinh học. Đây là yếu tố quan trọng phục vụ tốt cho việc tiến tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ. Ngoài gần 1.000 sản phẩm sinh học thì có gần 400 loại thuốc BVTV khác có các hoạt chất thuộc thế hệ mới. Bộ thuốc BVTV hiện nay của Việt Nam được các nước trong khối ASEAN và các nước phát triển đánh giá là khá chuẩn và hầu hết là các thuốc thế hệ mới.

Tuy nhiên, với hơn 10 triệu nông hộ với quy mô rất nhỏ, lẻ ở nước ta thì việc tiếp cận đến toàn bộ người nông dân để hướng dẫn các kiến thức về nông học và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) là một thách thức, không những đối với cơ quan nhà nước mà cả các công ty trong lĩnh vực thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường vẫn tồn tại một thực trạng khá nhức nhối gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nông sản, cũng như môi trường, đó là hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của thuốc BVTV và một bộ phận kinh doanh không chân chính đã đưa những sản phẩm này ra thị trường làm ảnh hưởng đến người nông dân, đến các nhà sản xuất thuốc BVTV chân chính.

Ngoài ra, để tăng năng suất, một bộ phận người dân đã cố tình chọn dùng những loại thuốc BVTV có tác dụng nhanh hoặc tự ý tăng liều lượng làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp và môi trường. Trong khi đó, nhiều loại thuốc BVTV sinh học hoặc nguồn gốc sinh học rất an toàn cho môi trường nhưng do tác dụng chậm nên ít được sử dụng.

“Siết chặt” quản lý

Để quản lý chặt chất lượng thuốc bán trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm đến kiểm tra chất lượng thuốc trước khi nhập khẩu hoặc đưa ra sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người kinh doanh, yêu cầu các hộ ký cam kết không bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam; tăng cường kiểm tra và xử phạt theo đúng Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật (hiệu lực từ ngày 1/1/2015)… Đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, giấy phép vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật…

Sản xuất sạch hướng tới hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là hướng đi tất yếu trong xu thế hiện đại.

Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là cơ chế chính sách, chỗ nào chưa phù hợp, chỗ nào cần bổ sung để đáp ứng tình hình sản xuất mới hiện nay, đặc biệt làm sao đáp ứng nền nông nghiệp sản xuất hữu cơ cũng như nền nông nghiệp sạch; Xây dựng và hoàn thiện ngay các quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới việc kiểm tra, kiếm định chất lượng các loại thuốc BVTV để sớm được sản xuất và đến tay người sử dụng là những sản phẩm thực sự có hiệu quả và chất lượng.

Cùng với đó, tiếp tục đưa ra những chế tài và quy định rõ ràng hơn trong việc rà soát loại bỏ các loại thuốc BVTV độc hại và gây mất an toàn trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường. Đồng thời, khuyến khích đưa các loại thuốc BVTV thế hệ mới và thuốc sinh học vào trong danh mục.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là nâng cao nhận thức và chuyển biến nhận thức của người dân. Đặc biệt, cần tiếp tục đấu tranh ngăn chặn các loại thuốc BVTV nhập lậu để làm lành mạnh hóa thị trường thuốc BVTV hiện nay, bảo đảm người dân được sử dụng những loại chất BVTV sinh học thế hệ mới, an toàn, thân thiện môi trường.

Hồng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật (Bài 3): Tăng cường công tác quản lý