Phải làm gì để giải cứu những bãi biển ngập trong rác?

Hà Châu (T/h)|30/04/2019 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dịp nghỉ lễ trùng với những ngày thời tiết nắng nóng, nên du lịch biển khá lý tưởng. Nhưng điều băn khoăn là có không ít các bãi biển bị rác bủa vây tứ bề.

Những ghi nhận từ thực tế tại các bãi biển cho thấy:

Các bãi biển ngột thở vì rác thải chất thành đống

Tam Hải (huyện Núi Thành) là một trong hai xã đảo của tỉnh Quảng Nam, được đánh giá có tiềm năng về du lịch sinh thái rất lớn bởi có nhiều thắng cảnh đẹp như Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa và những bãi đá trầm tích, bờ biển hoang sơ rất đẹp.

Đây cũng là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, có một điều làm người dân và du khách e ngại, nhất là tình trạng rác thải từ biển tấp vào đây số lượng lớn không được xử lý, gây khó chịu, ô nhiễm, mất mỹ quan.

Nhiều bãi biển gặp tình trạng xả thải thành đống

Theo ghi nhận, dọc bờ biển tại thôn Thuận An, xã Tam Hải rác thải ứ đọng chất thành từng đống dọc bờ biển.

Rác thải đủ chủng loại nhưng chủ yếu là rác thải nhựa, bao nilông, ngư cụ… tấp vào bờ, ruồi muỗi bay xung quanh tạo thành một quang cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.

Nhiều chủ quán hải sản ở đây than thở mỗi ngày rác theo sóng biển tấp vào bờ gây cảnh nhếch nhác, mặc dù người dân ở đây cũng thường xuyên thu gom nhưng rác quá nhiều, dọn không xuể.

“Khách du lịch đến đây thấy rác thải quá nhiều nên không dám ở lại ăn uống, nghỉ ngơi khiến việc buôn bán của chúng tôi ế ẩm” – một chủ quán nói.

Ông Trần Ngọc Hữu – chủ tịch UBND xã Tam Hải – cho biết phần lớn rác thải ở đây trôi dạt từ biển vào.

“Chính quyền cũng thường xuyên vận động đoàn thể, cán bộ, người dân ra quân thu gom, xử lý rác nhưng lượng rác thải ở đây quá lớn nên dọn không xuể” – ông Hữu nói.

Đến Thừa Thiên – Huế, ấn tượng của chúng tôi là hầu hết các bãi biển nổi tiếng đông người tập trung tắm mát như Thuận An (huyện Phú Vang), Cảnh Dương (huyện Phú Lộc)… được dọn dẹp khá sạch sẽ.

Tuy nhiên với những bãi tắm ít tấp nập hơn như biển Hải Dương, rác thải lại bủa vây đầy bãi biển.

Có mặt tại biển Hải Dương vào chiều 27-4, cảnh tượng dễ thấy là rác thải như túi nilông, vỏ bia… nằm ngổn ngang trên phía bờ biển.

Ở một số chòi được dựng lên để kinh doanh hải sản, túi nilông, lon bia vương vãi khắp nơi. Một số được người dân dồn thành một đống nhỏ, số còn lại vứt giữa bãi biển.

Trong khi đó, vỏ chai được người dân sử dụng xong cũng bị vứt lại tại bãi cát, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Một số túi nilông, vỏ bia… được vứt bỏ bị sóng cuốn ra xa, trôi bập bềnh trên biển.

Điều đặc biệt là dù lúc này bãi tắm có khá đông du khách nhưng lại ít thấy thùng rác. Theo quan sát của chúng tôi, một số chủ chòi bán hải sản ở đây thường gom rác lại rồi đào hố chôn thẳng xuống đất.

Bình Ba thuộc xã Cam Bình là hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), được biết đến với nét hoang sơ, bãi biển đẹp và nước trong xanh.

Tuy nhiên, phát triển du lịch nơi đây đang gặp rào cản lớn, khi vào mùa gió chướng tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, đảo Bình Ba bị bao vây bởi rác thải bao bì, túi nilong, mảnh vỡ lồng bè… tràn ngập khắp mọi nơi.

Ông Nguyễn Ân, chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết nguyên nhân khiến rác thải ngập tràn trên đảo Bình Ba do nước triều thay đổi, rất nhiều loại rác thải từ ngoài khơi chủ yếu rác thải sinh hoạt, người dân nuôi lồng bè thủy sản trên vịnh Cam Ranh, theo dòng nước và gió tấp vào đảo.

Ở Thanh Hóa, đi dọc gần 4km đường đê ven biển từ xã Hải Lộc qua Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc đến Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), nơi đâu cũng thấy túi nilông, chai nhựa, bao bì… và chất thải sinh hoạt trong các khu dân cư đổ ra mái đê phía biển.

Nhiều khu vực có dân cư đông đúc như chợ Diêm Phố (xã Minh Lộc), vùng giáp ranh giữa xã Minh Lộc và Ngư Lộc, rác thải các loại chất thành đống.

Rác thải đại dương từ đất liền

Ông Nguyễn Lê Tuấn, viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo VN), cho biết tại VN, ô nhiễm chất thải nhựa nói chung và ô nhiễm chất thải nhựa trên biển hiện nay đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, đe dọa ngày càng lớn do tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên.

Theo ông Tuấn, ở VN hiện có khoảng 8-12% tổng lượng chất thải rắn thải ra mỗi ngày là chất thải nhựa, túi nilông gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí nghiêm trọng, trở thành vấn nạn quốc gia.

Ông Tuấn cho biết Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilông trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ kể từ đầu năm 2019 nhằm giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường; hay các sản phẩm ống hút, muỗng nĩa, chén đĩa, dao kéo… bằng nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm ở Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới.

Trong khi đó ở nước ta, quản lý chất thải này vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Đồng thời vẫn chưa có chính sách quản lý có hiệu quả cho sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.

“Để đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong giai đoạn tiếp theo, theo tôi, cần phải ban hành các cơ chế, chính sách quản lý có hiệu quả, xác định lộ trình cụ thể cho việc loại bỏ sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đặc biệt, cần chú trọng giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa ở biển, từ đó thay đổi thói quen, tập quán trong tiêu dùng sản phẩm nhựa và cách ứng xử với sản phẩm nhựa nói chung, rác thải nhựa nói riêng”, ông Tuấn nói.

Kinh nghiệm từ bãi biển Vũng Tàu cấm mọi hình thức xả rác, ăn nhậu để giữ gìn cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp

Bài học từ bãi biển Vũng Tàu

Ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn tồn tại một số bãi tắm, chẳng hạn bãi biển Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) ngập rác như lưới hư, chai lọ, thức ăn thừa…

Tuy nhiên hơn một năm trở lại đây, các bãi tắm công cộng lớn tại Vũng Tàu từ bãi Trước, bãi Dâu đến bãi Sau đều sạch sẽ, không có rác thải, thông thoáng, gọn gàng. Việc này khiến nhiều du khách thích thú.

Tại sao các bãi này luôn sạch sẽ? Ông Phan Văn Thực – phó giám đốc khu du lịch Biển Đông (đơn vị quản lý, kinh doanh bãi tắm dài 750m ở bãi Sau, TP Vũng Tàu) – cho biết trong dịp lễ đông khách, ngoài 20 nhân viên chuyên thu dọn rác ngay lập tức, khu du lịch này còn thuê thêm 5-7 người để cho bãi tắm “không có một cọng rác”.

Ông Thực cho biết thêm những nhân viên nhặt rác ở đây có nhiệm vụ chính là đứng canh du khách có lỡ tay thả rác là đến nhặt ngay hay nhắc nhở. Đồng thời cũng được “huấn luyện” để mắt, chú ý, quan sát du khách bị đuối nước.

Ngoài ra, khu du lịch này còn thực hiện nghiêm lệnh cấm du khách ăn nhậu dưới bãi tắm. Nếu du khách lỡ mang đồ ăn xuống bãi biển sẽ được mời vào trong nhà để bày tiệc mà lấy giá cũng như ngoài bãi.

Trong khi đó, một lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và công trình đô thị TP Vũng Tàu cho biết trong những dịp lễ tết, ngoài công nhân cơ hữu như ngày thường, công ty phải tăng cường thêm 50-60 người để kịp thời giải tỏa rác ở các bãi tắm, công viên, những con đường chính.

Công ty cũng bố trí thêm thùng rác để du khách tiện bỏ rác. Trong những ngày lễ, trung bình mỗi ngày thu gom được gần 400 tấn rác, tăng 20-30% so với ngày thường.

Theo tìm hiểu, tất cả bãi tắm ở Vũng Tàu đều đã có đơn vị được cho thuê kinh doanh nên những năm qua luôn sạch sẽ. Đó là nhờ vào chỉ thị cấm ăn nhậu, xả rác, bán hàng rong dưới bãi tắm của TP Vũng Tàu cách đây ba năm.

Một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bãi tắm cho biết nhờ có chỉ thị của chính quyền, doanh nghiệp mới mạnh dạn yêu cầu khách phải tuân thủ quy định, mặt khác ngoài nhắc nhở, tuyên truyền, ý thức của du khách ngày càng được nâng lên sau khi nhiều người… bị phạt khi cố tình vi phạm quy định.

Trong ngày (28-4), Công an TP Vũng Tàu đã xử phạt ba nhóm du khách ăn nhậu, xả rác nơi công cộng, mỗi nhóm bị phạt 4 triệu đồng. Ngoài ra, ngành chức năng của TP còn ngăn chặn và giải tán gần 30 nhóm du khách đem đồ ăn nhậu bày ra dưới bãi tắm, nơi công cộng.

Hà Châu (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải làm gì để giải cứu những bãi biển ngập trong rác?