Phân bón hữu cơ cho sản xuất nông sản sạch, hướng đến nông nghiệp bền vững

Nhật Lệ (T/h)|31/10/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phát triển nông nghiệp sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, phân khoáng thiên nhiên thân thiện với môi trường là giải pháp tất yếu.

Những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa, quả) có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại phải ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là “rau an toàn”, trong số đó dư lượng nitrat, kim loại nặng – tác nhân gây ung thư phải ở ngưỡng cho phép.

Thực tiễn cho thấy, ngoài phân đạm, các loại cây rau màu còn cần lân, kali và đặc biệt cần canxi, manhê, silic và các chất vi lượng như kẽm, bo, môlíp đen… Các thực nghiệm bón phân cho các loại cây rau màu đều khẳng định: Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng (N.P.K) và các chất trung lượng canxi, ma nhê, silic và các chất vi lượng như kẽm, bo, môlíp đen thì cây tốt bền, cây khoẻ, ít sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt, an toàn cho người dùng.

Trồng rau an toàn, hay rau sạch, đang là xu hướng tại Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng lên 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017.

Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017. Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc sản xuất phân bón hữu cơ nhờ nguồn chất thải phong phú trong chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, than bùn, rác thải sinh hoạt… Thúc đẩy sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả sẽ giúp nước ta nhanh chóng tiến đến một nền nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ an toàn và bền vững.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ. Cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ.

Bên cạnh đó, cần tiếp thu các kinh nghiệm và xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là trong thời kì các nước nhập khẩu nông sản đã bắt đầu kiểm tra rất nghiêm ngặt chất lượng nông sản.

Phân bón có vai trò đặc biệt trong nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất quá nhiều và kinh doanh không bảo đảm chất lượng hay sử dụng nhiều, không theo quy định, liều lượng phân bón trong chăm sóc cây trồng… đã, đang gây ra những tác động xấu. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

Nhật Lệ (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bón hữu cơ cho sản xuất nông sản sạch, hướng đến nông nghiệp bền vững