Moitruong.net.vn – Công nghệ sinh học (CNSH) biển có thể giúp giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến an ninh lương thực, an ninh nhiên liệu, an ninh năng lượng, sức khỏe của con người và các quy trình công nghiệp bền vững.

Công nghệ sinh học biển ngày càng được quan tâm do những tiến bộ khoa học đã nâng cao nhận thức của con người về đa dạng sinh học biển, cũng như sự phát triển của công nghệ và các công cụ tiếp cận và nghiên cứu sinh vật biển và hệ sinh thái. Nguồn tri thức về sinh vật biển đang được mở rộng nhanh chóng do các loài mới được phát hiện và do tính phức tạp và đa dạng sinh học của các sinh vật biển và hệ sinh thái đã được thừa nhận.

Tài nguyên sinh vật biển có tiềm năng lớn, như một nguồn cung cấp các sản phẩm và quy trình mới, vẫn chưa được khai thác triệt để. Việc ứng dụng công nghệ sinh học cho các nguồn tài nguyên này có thể giúp giải quyết thách thức toàn cầu về lương thực, an ninh năng lượng và y tế và góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh và bền vững. Đồng thời, các điều kiện để duy trì mối quan hệ bền vững giữa bảo tồn và sử dụng tài nguyên sinh vật biển đã được xác định rõ. Sinh vật biển sống trong một hệ thống các đại dương rộng lớn kết nối với nhau, góp phần điều chỉnh nhiệt độ và điều kiện khí quyển của hành tinh.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, phát triển khoa học công nghệ biển nói chung và CNSH biển nói riêng ở Việt Nam thời gian qua vẫn chưa được chú trọng và phát triển đúng mức, các nghiên cứu chưa tương xứng với tiềm năng và gặp nhiều thách thức lớn.

Để KH&CN biển nói chung và CNSH biển thực sự có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cần có đường lối, chính sách mới, cơ sở hạ tầng mới với các mô hình, hệ thống nghiên cứu và phát triển mới để vượt qua các thách thức, rào cản. Đẩy mạnh phát triển công nghệ, công nghiệp sinh học biển trong tương lai.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo chính quyền từ Trung ương đến địa phương (đặc biệt là các tỉnh có biển) về vị trí, vai trò của CNSH biển đối với phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hoạch định các chiến lược, xây dựng chính sách, pháp luật, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN biển nhằm thu hút các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về CNSH biển, đặc biệt là sự cộng tác của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển. Hình thành các trung tâm nghiên cứu quốc gia về CNSH biển. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm về CNSH biển. Chú trọng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu cơ bản ở các vùng biển quốc tế. Đầu tư đội tàu nghiên cứu biển hiện đại, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu.

Xây dựng, củng cố và bổ sung hạ tầng nghiên cứu và chia sẻ tri thức về biển, đặc biệt là Hệ thống thông tin sinh – địa lý đại dương tạo nền tảng cho sự phát triển của CNSH biển. Triển khai xây dựng các quy chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu sinh học biển.

Chủ động học tập và áp dụng kinh nghiệm đầu tư, quản lý công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển của các nước tiên tiến; tăng cường sự phối hợp công – tư trong nghiên cứu, triển khai và ứng dụng CNSH biển.. Tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để xây dựng chuỗi cung ứng, dịch vụ hỗ trợ phát triển các sản phẩm sinh học biển ra thị trường.

KH&CN biển sẽ giúp nâng tầm giá trị của biển Việt Nam, góp phần sớm đưa nước ta trở thành quốc gia giàu từ biển, mạnh về biển, thực hiện Thập kỷ khoa học đại dương của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2030.

Minh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghệ sinh học biển