Phát triển du lịch nhờ… “lối sống sạch”

Theo Đức Mạnh/ NYTimes|12/09/2018 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ẩn mình trong khung cảnh tươi xanh của những ngọn đồi Đông Khasi thuộc bang Meghalaya dọc vùng biên giới Ấn Độ – Bangladesh là ngôi làng nguyên sơ

(Moitruong.net.vn) – Mawlynnong, 1 ngôi làng nhỏ nằm ở phía Đông Bắc Ấn Độ đang trở thành 1 địa điểm hút khách du lịch có tiếng với những người yêu thích cuộc sống làng mạc, vườn tược đề huề với một truyền thống sạch sẽ có tiếng.

»»» Việt Nam có thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

»»» Việt Nam đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất

Lối sống sạch ngay từ nhà vệ sinh

Mawlynnong. Những ngọn đồi xanh biếc với những hồ nước xanh như ngọc là phông nền cho ngôi làng hiện có hơn 500 người sinh sống – 1 con số tăng mạnh trong mùa cao điểm với hơn vài trăm khách du lịch viếng thăm mỗi ngày.

Vào thời điểm các thành phố trung tâm như Delhi, Mumbai và Kolkata đang chìm trong khủng hoảng ô nhiễm, Thủ tướng Narendra Modi đã nhận ra ngôi làng nguyên sơ này như nguồn cảm hứng và nhấn mạnh rằng Mawlynnong chính là mô hình kiểu mẫu mà cả nước phải noi theo: “Tôi rất vui khi được biết rằng nước ta lại có 1 ngôi làng nằm phía Đông Bắc đất nước, tại bang Meghalaya vẫn nồng nhiệt bám lấy truyền thống sạch sẽ trong bao năm nay. Truyền thống đã cho dân làng thói quen giữ gìn 1 lối sống sạch sẽ”.

Du khách thích thú với cảnh bình yên trên con đường làng

Ngôi làng được lấy làm ví dụ như 1 thành quả của những nỗ lực chung tay gìn giữ sự sạch sẽ của cộng đồng và là hình ảnh thúc đẩy chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ” của quốc gia cho năm 2019, cũng là năm kỉ niệm sinh nhật lần thứ 150 của Mahatma Gandhi (vị anh hùng quốc gia đi theo chủ trương cộng đồng sạch sẽ và vệ sinh). Một trong những mục tiêu chính của chiến dịch là gia tăng lắp đặt nhà vệ sinh ở các vùng nông thôn Ấn Độ. Tại Mawlynnong, mỗi hộ gia đình đều có ít nhất 1 nhà vệ sinh.

Ngôi làng được biết đến từ 1 bài báo của tạp chí Discover India đăng tải trong năm 2004 rằng “đây chính là nơi sạch sẽ nhất Ấn Độ”. Bài báo viết rằng chổi và bụi tre được xếp thành hàng trên đường làng và theo như lời của một cư dân, ngôi làng này không có một tí rác thải nhựa nào vào 14 năm trước đây. Truyền thống làm vườn của ngôi làng được truyền qua các lớp thế hệ cũng góp phần gìn giữ vệ sinh nơi đây.

Ngày nay, Mawlynnong đang phải đối phó với mức tăng trưởng của lượng khách du lịch. Ông Laphrang Khong Thohrem, 62 tuổi và các thành viên khác của Hội đồng làng cũng như các cộng đồng lớn hơn đã họp lại để tìm ra cách giải quyết các vấn đề mà dòng khách du lịch đem đến. Giải pháp mà họ đưa ra như sau: Đường phố được quét dọn hằng ngày bởi dân làng; thùng rác tre được đặt tại mọi góc đường; rác được ủ thành phân hữu cơ sử dụng cho hoạt động nông nghiệp của làng, đặc biệt cho việc sản xuất hạt cau.

Phồn vinh nhờ tôn trọng luật lệ và môi trường

Tuy nhiên, sự chú ý của các tạp chí du lịch và Thủ tướng cùng với khả năng hiện thực hóa lợi nhuận đang làm nhiều dân làng muốn mở nhà nghỉ, theo như ông Lormary Khonglament (60 tuổi) cho biết. Ông có 1 người con trai đang điều hành nhà nghỉ tại ngôi làng.

Gia đình Baieng Skhem (28 tuổi) xây dựng ngôi nhà trên cây và tính phí 30 rupee Ấn Độ (trị giá khoảng 12.000 đồng) đối với mỗi du khách muốn leo lên ngắm nhìn khung cảnh Bangladesh. Skhem cho biết vào mỗi ngày, lượng khách du lịch đến thăm ngôi nhà trên cây lên tới hơn 100 người và đã tạo nên thu nhập thêm cho gia đình.

Sunita Khongtiang, 30 tuổi và là mẹ của 4 người con tại ngôi làng này điều hành 1 nhà hàng không tên cùng với chồng của cô, phục vụ các món ăn như cơm, gà và đậu lăng hầm. Nhà hàng mở cửa cả 7 ngày trong tuần. Cô làm công việc nội trợ cho tới khi dòng khách du lịch bắt đầu tràn tới làng lần đầu tiên vào 14 năm về trước. Cô bắt đầu làm hàng ăn quy mô nhỏ tính từ thời điểm đó và tới nay đã có hơn 30 nhân viên phục vụ với lượt khách phủ kín các chỗ trong nhà hàng từ sáng tới tối trong tất cả mọi ngày.

Banjopthiaw Kharrymba, 32 tuổi, người đứng đầu Hội đồng làng cho biết, dân làng vẫn đang tiếp tục làm đẹp nơi đây qua việc trồng hoa. “Hiện tại, người ta gọi nơi đây là ngôi làng sạch nhất châu Á, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để 1 ngày nào đó nó sẽ trở thành ngôi làng không chỉ sạch nhất châu Á, mà là sạch nhất thế giới”.

Ông Thohrem cho biết, điều tuyệt vời nhất của Mawlynnong chính là con người: “Mọi người luôn cùng hợp tác với nhau hoàn thành các công việc mà hội đồng đặt ra. Nếu tất cả chúng tôi không cùng chung tay nỗ lực, chúng tôi đã không xây dựng được ngôi làng như thế này”.

Theo Đức Mạnh/ NYTimes


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch nhờ… “lối sống sạch”