Phát triển thủy điện nhỏ tại Việt Nam (Bài 2): Tiềm năng đến cùng thách thức

Hà Anh|14/10/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tiềm năng thủy điện nhỏ là một nguồn năng lượng cần phải được khai thác, phát triển bền vững để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để khai thác, phát triển bền vững, công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng cho đến việc quản lý vận hành… các công trình thủy điện còn nhiều thách thức.

Nỗ lực đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng

Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Mức tăng trưởng cao của tiêu thụ điện năng, khoảng 14%/năm, trong tương lai gần sẽ gây ra sự thiếu hụt năng lượng và sức ép phải xây dựng thêm các nhà máy điện.

Với những cố gắng vượt bậc của ngành Điện, nhu cầu năng lượng trong những năm qua phần nào đã được đáp ứng ổn định. Tuy nhiên, trong những năm tới, vấn đề thiếu hụt năng lượng khi các nguồn sơ cấp đã được khai thác gần hết là vấn đề đang được tính đến.

Đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, ngành Điện đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than, thủy điện, thủy điện tích năng và chuẩn bị xây dựng điện nguyên tử đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện. Tuy nhiên, phát triển thủy điện nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa

Với hơn 2.200 con sông suối với quy mô khác nhau và chiều dài trên 10km, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về thuỷ điện: tiềm năng lý thuyết khoảng 300 tỷ kWh và tiềm năng kỹ thuật vào khoảng 123 tỷ kWh.

Tổng tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 1.600 MW – 2.000MW với quy mô đa dạng.

Thứ nhất, công suất 100 – 10.000 kW mỗi trạm: 500 trạm thuỷ điện nhỏ với tổng công suất là 1,400-1,800MW, chiếm 82% -97% tổng các trạm thuỷ điện nhỏ.

Thứ hai, công suất 5-100kW mỗi trạm: 2,500 trạm thuỷ điện nhỏ với tổng công suất là 100-150MW, chiếm 5-7.5 % tổng các trạm thuỷ điện nhỏ.

Thứ ba, công suất 0.1 – 5 kW mỗi trạm (cũng được gọi là thuỷ điện siêu nhỏ): tổng công suất là 50-100 MW, chiếm 2.5-5% tổng công suất các trạm thuỷ điện nhỏ (Pham Khanh Toan et al., 2010).

Hiện có nhiều dự án thuỷ điện siêu nhỏ với công suất từ 200 đến 500W ở biên giới hay được các hộ dân xây dựng tại các thôn xã vùng sâu vùng xa. Các nhà máy thuỷ điện nhỏ từ 100 đến 1.000W này đủ cung cấp điện cho chiếu sáng trong mùa lũ.

Tại Việt Nam, các dự án thuỷ điện nhỏ được xây dựng từ những năm 60. Các dự án này ban đầu được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 1960-1985 tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Từ năm 1985 đến 1990, các bộ ngành, tỉnh, đơn vị quân sự và các tổ chức đã đầu tư vào thuỷ điện nhỏ. Sau năm 2003 đầu tư bắt đầu đến từ ngành kinh tế tư nhân khi thị trường điện trở nên tự do hơn. Cho đến nay, có 310 dự án thuỷ điện nhỏ được phân bổ rộng khắp đất nước (trên 31 tỉnh thành) với tổng công suất lắp đặt khoảng 3,443MW (MoIT, 2007).

So với các dạng năng lượng tái tạo khác, thuỷ điện là một dạng công nghệ lâu đời hơn ở Việt nam do đó lợi nhuận trên vốn đầu tư sẽ cao. Do đó các dự án thuỷ điện nối lưới dễ vay được vốn ở Việt Nam hơn.

Ngoài ra, các dự án thuỷ điện nhỏ có thể thu được thêm tiền từ CDM. Trong số 143 dự án với PDD được DNA Việt Nam chấp thuận, có 98 dự án (hay 69%) là thuỷ điện nhỏ (<30MW).

Như một phần nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện, Việt Nam dự định phát triển thêm các nhà máy thuỷ điện nhỏ và quy mô trung bình. Công nghệ thuỷ điện này được lựa chọn do nguồn tài nguyên dồi dào và chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì tương đối thấp (OECD/IEA, 2010: 25).

Tuy nhiên, dự định này vẫn còn thách thức vì thuỷ điện nhỏ với công suất thấp hơn 30MW đã được khai thác hết tại Việt Nam. Thêm vào đó, việc quy hoạch thiết kế và vận hành không phù hợp các dự án thuỷ điện nhỏ có thể dẫn đến các tác động tiêu cực về môi trường xã hội cho người dân bản địa hay người dân sống ở vùng hạ lưu.

Ảnh minh họa

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Do phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt giai đoạn 2010-2014, nảy sinh một số bất cập, hạn chế: một số dự án ảnh hưởng môi trường rừng và xả lũ không đúng quy trình. Công tác nghiên cứu, lập quy hoạch ở một số địa phương còn thuần túy dựa trên đề xuất của các doanh nghiệp mà chưa có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện, chưa thật sự phù hợp quy hoạch điện lực của tỉnh và bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường. Việc quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng thủy điện nhỏ còn tồn tại một số bất cập, như khảo sát địa chất không đầy đủ, thiết kế chưa tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp và tiến độ thi công xây dựng chưa bảo đảm an toàn… dẫn đến một số sự cố hoặc phát sinh cần xử lý.

Các DATÐ nhỏ hầu hết được xây dựng tại các huyện miền núi, xa trung tâm, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ, cho nên rất khó khăn và gặp nhiều rủi ro không lường trước trong việc thi công xây dựng. Hầu hết cán bộ chuyên môn tại các sở công thương còn thiếu và chưa đúng chuyên môn công tác, cho nên việc thẩm định hồ sơ quy hoạch, đánh giá chất lượng xây dựng… chưa được thực hiện một cách bài bản, còn nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng quản lý chưa cao; một số dự án còn chồng lấn phạm vi khai thác, mâu thuẫn về khai thác nguồn nước và chưa phù hợp các quy hoạch liên quan khác như thủy lợi, giao thông, du lịch, điện lực hoặc hiệu quả kinh tế còn thấp.

Trong quá trình vận hành (QTVH), các dự án TÐVVN phụ thuộc nhiều vào nội dung các bản tin dự báo khí tượng, trong khi ngày càng xuất hiện những điều kiện thời tiết phức tạp, cực đoan, lũ có xu hướng bất lợi hơn. Công tác phối hợp giữa một số chủ đập với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và các cơ quan liên quan ở địa phương chưa thật sự chặt chẽ; quy chế phối hợp thông báo, cảnh báo lũ chưa cụ thể. Chưa quy định rõ phương thức liên lạc, cung cấp thông tin, báo cáo, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm về phòng, chống lụt, bão tại một số địa phương thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc, phối hợp chủ đầu tư trong công tác điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi các hồ xả lũ. Qua những đợt kiểm tra của Bộ Công thương cho thấy, một số nhà máy thủy điện vẫn còn thiếu sót cần khắc phục như: số lượng và tiêu chuẩn của trưởng ca còn chưa đáp ứng theo quy định; báo cáo duy trì điều kiện cấp Giấy phép hoạt động điện lực và báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa kịp thời, việc cấp số liệu cho đơn vị điều hành hệ thống điện và thị trường điện (cấp số liệu trước ngày 1-9 hằng năm).

Năng lực của cán bộ vận hành công trình và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều hạn chế. Tại một số công trình, còn thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ kiến thức, vì vậy, có lúc chưa tuân thủ QTVH đã được phê duyệt; chưa lập kế hoạch vận hành chi tiết, thiếu linh hoạt trong thực hiện QTVH. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thiếu cán bộ chuyên môn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cán bộ chuyên trách của cơ quan chịu trách nhiệm về phòng, chống lụt, bão tại địa phương không đủ năng lực, không nắm được thông tin về công trình cũng như nội dung của QTVH hồ chứa thủy điện trên địa bàn…

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thủy điện nhỏ tại Việt Nam (Bài 2): Tiềm năng đến cùng thách thức