Phú Thọ tăng cường quản lý tài nguyên nước

15/03/2017 02:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi Quốc gia, là yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động của con người, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp lý giúp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai hiệu quả. Sau khi Luật Tài nguyên nước năm 1998 được ban hành và Luật Tài nguyên nước sửa đổi được thực thi từ ngày 1/1/2013, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ và từng bước đi vào nề nếp.

Phú Thọ: Nâng cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Đặc điểm nổi bật của địa hình Phú Thọ là chia cắt khá mạnh, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cấu tạo địa chất dễ bị phong hóa, xói mòn đã tạo cho Phú Thọ có hệ thống sông ngòi rất phong phú, đa dạng.  

Theo đánh giá về chất lượng nguồn nước của các con sông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được biết hầu như nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi các nguồn xả nước thải, các nguồn thải từ các tỉnh phía trên thượng nguồn. Tuy nhiên, tại một số vị trí có một vài chỉ tiêu tăng cao bất thường như Colifrom, e.coli, điều này là do nội tại các nguồn xả nước thải của các vùng mà sông chảy qua.

Góp phần quản lý tốt nguồn nước, đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 4 trạm thuỷ văn cơ bản đang hoạt động, 3 trạm khí tượng và 11 điểm đo mưa nhân dân. Các trạm thủy văn được bố trí trên 2 sông đó là sông Lô và sông Hồng (đoạn chảy qua địa bàn tỉnh).

Hiện trạng xả thải vào nguồn nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tài nguyên nước. Theo kết quả điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy nước thải được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 230 đối tượng xả thải tập trung có lưu lượng 5m3/ngày đêm trở lên. Đối tượng xả nước thải phân tán chủ yếu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chủ yếu là các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ chăn nuôi, các hộ sản xuất có quy mô nhỏ và nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình sinh sống gần khu vực các nguồn nước xả trực tiếp không qua hệ thống thu gom tập trung. Ngoài các đối tượng trên còn có nước thải trong sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy.

Tăng cường quản lý có hiệu quả

Để quản lý tài nguyên nước hiệu quả, Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Nhìn chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng lên một tầm cao mới và bước đầu đã thu được những kết quả đáng mừng.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước được UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm triển khai thường xuyên, qua đó đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời cũng phát hiện những tồn tại, yếu kém trong quản lý để tập trung chỉ đạo, khắc phục.

bentrongnmnsd

Xây dựng các hệ thống cung cấp nước sạch

Đến nay, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, hệ thống thoát nước của tỉnh Phú Thọ còn lạc hậu và thiếu sự đồng bộ cần thiết, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo vệ sinh môi trường. Phần lớn hệ thống được dùng chung cho thoát nước mưa và nước thải, được xây dựng trên địa hình tự nhiên, nước tự chảy và độ dốc thủy lực thấp. Ở khu vực nông thôn hầu hết nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, ở khu vực thành thị nước thải chỉ được qua xử lý sơ bộ (bể phốt) sau đó được thu gom vào hệ thống tiêu thoát chung của khu vực sau đó thải ra môi trường.

Theo tính toán lượng nước cấp cho sinh hoạt tỉnh Phú Thọ khoảng 47.614,3 m3/ngày đêm (ngđ) đến 64.963,8 m3/ngđ. Tuy nhiên, lượng nước thải sinh hoạt từ các cụm dân cư các xã, thị trấn hầu hết đều chưa qua xử lý, một số đã qua xử lý sơ bộ (bể phốt). Lượng nước thải này thải vào hệ thống sông không nhiều do phần lớn các khu dân cư chưa có hệ thống tiếp nhận nước thải tập chung, nước thải chủ yếu được thu vào cống, rãnh đơn lẻ sau đó được xả vào hệ thống kênh mương nội đồng, ao hồ trong khu dân cư. Về mùa khô, phần lớn lượng nước nước thải ngấm xuống đất. Mùa mưa, nước thải hòa cùng nước mưa chảy vào hệ kênh mương nông nghiệp và được tiêu ra hệ thống sông bằng động lực hoặc tiêu tự chảy.

Để tiếp tục quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, từ tháng 6- 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1378/QĐ-UBND về việc Phê duyệt phê duyệt kết quả thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”. Một số giải pháp được đề xuất để bảo vệ chất lượng nước thời gian tới, gồm: Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên nước, môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nguồn thải. Triển khai hướng dẫn, quy định về kiểm soát ô nhiễm và cấp giấy phép xả thải; Nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường.

Chuẩn hoá các quy trình khảo sát, lấy mẫu, phân tích phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế thông qua các hoạt động đào tạo, phối hợp giữa các phòng thí nghiệm và tham gia mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; Ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ thông tin địa lý nhằm thu thập, hệ thống, phân tích, đánh giá các thông tin về môi trường, quản lý nguồn thải; Cần xây dựng các chính sách tài chính về nước nhằm gắn chặt giữa công tác đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng tài nguyên nước với nghĩa vụ đóng góp tài chính phục vụ cho việc quản lý khai thác, duy tu bảo dưỡng, tu bổ nâng cấp và phòng chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra. Áp dụng công nghệ tái sử dụng nước thải. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên môi trường nước cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng. Nâng cao năng lực quản lý nguồn thải cho doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan đào tạo, quản lý môi trường thông qua hình thức tham quan, học hỏi kinh nghiệm: Tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp có hệ thống quản lý môi trường, có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến… Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh có các văn bản quy định vùng bảo hộ vệ sinh cho khai thác, sử dụng nước cấp cho sinh hoạt, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước các sông trục chính, các sông nội đồng và hệ thống công trình thủy lợi…

Xác định nâng cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn, Phú Thọ tiếp tục tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý tài nguyên nước; Góp phần bảo vệ nguồn nước, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các nguồn nước. Công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của biến đổi khí hậu và những biện pháp thích ứng, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn.

Ngọc Lam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ tăng cường quản lý tài nguyên nước