Quảng Nam: Người dân Quảng Huệ trông chờ nước sạch

30/03/2018 09:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Thôn Quảng Huệ (xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) có 103 hộ thì có 10 hộ thuộc diện cận nghèo và một hộ nghèo. Không chỉ xoay xở chật vật bởi nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, nhiều khu vực trong thôn còn gặp khó khăn trong việc đào giếng, khoan giếng do thổ nhưỡng. Bởi đó, người dân thôn Quảng Huệ sống trong khu vực bức thiết về nguồn nước sinh hoạt đang từng ngày mong chờ được cấp nước sạch.

Nguồn nước thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh nhiễm phèn, đục được lọc thô trong ảnh trước khi sử dụng

Ông Nguyễn Hồng Lâm, người dân trong thôn cho biết, vào mùa mưa, nguồn nước sinh hoạt ở đây đỡ bức bách phần nào vì người dân có thể hứng thêm nước mưa sử dụng. Khổ nhất là thời điểm nắng nóng, khô hạn, cả thôn hiện có chục cái giếng nhưng hầu hết đều bị cạn nước, nhiễm phèn nặng và đục ngầu, không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của cả làng. “Chuyện xếp hàng chờ lấy nước ở giếng làng đã quá quen thuộc vào mùa nắng.

Dù nước đục nhưng có còn hơn không; đục mấy, phèn mấy mà có gánh về tới nhà là mừng rồi. Nước gánh về đưa qua ảng lọc lại 1 lần rồi sử dụng cho sinh hoạt, chứ uống, hay nấu ăn thì phải sử dụng nước bình” – ông Lâm nói. Bà Lê Thị Tư chia sẻ thêm, không chỉ Quảng Huệ, mà ngay cả thôn lân cận Phú Mỹ cũng gặp khó về nguồn nước sạch vì con nước ở vùng này bị nhiễm phèn hết. Dù sao người dân Phú Mỹ cũng có thể đào giếng thuận lợi, còn người dân Quảng Huệ thì gặp khó trong việc đào giếng. Đã thành lệ, hễ thợ tới Quảng Huệ đào giếng là phải khoan, đào có nước thì bà con mới trả tiền, còn không thì chỉ được trả công. “Cái gì thiếu cũng được chứ thiếu nước sạch thì khổ lắm, bí bách lắm. Gia đình tôi mỗi tháng phải mua 15 – 20 bình nước đóng bình về nấu ăn, uống, không biết chất lượng ra răng nhưng nhìn cũng trong hơn nước ở làng. Nước phèn này tắm rửa, giặt giũ còn thấy khó chịu nhưng bí quá phải dùng” – bà Tư bộc bạch.

Theo anh Nguyễn Đăng Bình ở thôn Quảng Huệ, nhiều năm trước, người dân trong thôn quá tha thiết có nước sạch nên khi Công ty Sông Đà (cũ) ở Đà Nẵng về khảo sát xây dựng công trình nước sạch, ai nấy hưởng ứng, cùng nhau góp tiền. Công ty này đứng ra thu tiền của dân, cũng tổ chức thăm dò nguồn sông rồi không triển khai với lý do mẫu nước ở đây không đạt. Tiếp đó, từ sự hỗ trợ của Tổ chức Đông Tây hội ngộ, nhà máy nước của xã Đại Thắng được xây dựng nhằm cấp nước cho người dân trong vùng Đại Thắng và thôn lân cận – Quảng Huệ, xã Đại Minh. Tuy nhiên, 3 năm nay, dân số tăng, nhu cầu sử dụng tăng, nhà máy này phát huy công suất cho việc cấp nước cho người dân trong xã, không đủ nước cấp sang Quảng Huệ.

Kể từ đó tới nay, người dân thôn này rơi vào cảnh bí bách về nguồn nước sinh hoạt lẫn nước sạch. “Đường ống dẫn nước chính và các đường ống xương cá đều nằm dưới lòng đất rồi. Trước, hầu hết người dân Quảng Huệ đều bỏ tiền ra để bắt đồng hồ dẫn nước về nhà sử dụng nhưng giờ thì chịu chết. Mong Nhà nước và các tổ chức quan tâm, tạo điều kiện cho thôn có được nguồn nước sạch để sử dụng” – anh Bình mong mỏi.

Ông Phạm Mười cùng nhiều người già trong làng bày tỏ niềm mong mỏi được có nước sạch về làng. Ông cho biết, từ sau giải phóng tới nay, nước ở đây đã bị nhiễm phèn nhưng không nặng như bây giờ. Trước, cả thôn cùng gánh nước chung ở giếng làng về sinh hoạt, nhưng bây giờ dân số tăng, nhiều hộ đóng thêm giếng nhưng đóng 10 cái thì chỉ 1 – 2 cái có nước vì bên dưới lớp đất đá rất cứng, phải khoan sâu 30 – 40m mới có nước, chưa kể có những cái giếng dù khoan có nước song bị nhiễm phèn, rất khó khăn trong sử dụng…

Ông Nguyễn Hàn Giang – Trưởng thôn Quảng Huệ cho rằng, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch lẫn nước sinh hoạt ở Quảng Huệ là câu chuyện dài vì khó khăn trong việc khoan, đào giếng. Năm 2015, khi nhà máy nước xã Đại Thắng ngưng cung cấp nước sạch cho Quảng Huệ thì từ đó tới nay, cả thôn phải xoay xở chật vật để tìm nguồn nước. Mấy chục hộ bám vào cái giếng làng, một số khác đã đào giếng nhưng không được, hoặc đào được nhưng chất lượng nguồn nước kém.

Ông Giang thông tin, HĐND xã Đại Minh từng đưa chủ trương đầu tư xây dựng bể cấp nước sạch cho thôn Quảng Huệ từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, song thời điểm nào được bố trí kinh phí thì vẫn chưa rõ. Quảng Huệ hiện đã có sẵn cơ sở hạ tầng, đường ống nằm khắp thôn nên việc cấp nước trở lại khá thuận lợi, song cái khó là thiếu nguồn đầu tư. Trong khi đó, ông Phan Năm – Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho hay, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để hỗ trợ nguồn nước sạch cho người dân song vì lý do kinh phí mà việc này chưa thể triển khai được. Xã cũng mong các tổ chức xã hội quan tâm, hỗ trợ chính quyền và người dân trong việc cấp nước sạch, chia sẻ những khó khăn mà người dân Quảng Huệ và các thôn lân cận như Phú Mỹ, Tây Gia… đang đối diện.

Theo báo Quảng Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Người dân Quảng Huệ trông chờ nước sạch