Quảng Ngãi: Khắp nơi bức bối rác thải

Theo Tử Trực/NLD|24/08/2018 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Phản ứng tiêu cực giữa người dân với chính quyền nhiều địa phương về vấn đề ô nhiễm rác thải cho thấy cần có giải pháp xử lý dứt điểm cơn khủng hoảng này.

>>>Bình Thuận: Yêu cầu giám sát chặt việc xử lý chất thải ở nhiệt điện Vĩnh Tân

Người dân dùng nhiều vật cản, quan tài ngăn chặn xe chở rác vào nhà máy tại “điểm nóng” rác thải sinh hoạt Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi)

Ngày 23-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về việc cử đoàn công tác vào hỗ trợ đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến những dự án xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Điểm nóng khắp nơi

Sở dĩ có công văn trên bởi từ tháng 7 đến nay, tại tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân về vấn đề xử lý rác thải nhưng người dân vẫn chưa đồng tình.

Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) được đầu tư bằng công nghệ đốt khá hiện đại, đi vào vận hành từ đầu năm 2018. Từ ngày 29-7 đến nay, hàng ngàn người dân dùng các vật cản, quan tài, dựng lều túc trực 24/24 giờ, chặn xe chở rác vào nhà máy. Người dân chặn xe vì cho rằng nhà máy xây dựng quá gần khu dân cư, quá trình hoạt động nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt…

Để giải quyết “điểm nóng” này, UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ đã 3 lần tổ chức đối thoại với dân nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn, xử lý hàng ngàn tấn rác đang tồn đọng trong các khu dân cư.

Trong cuộc gặp gỡ dân ngày 23-8, trả lời các câu hỏi về khoảng cách, thủ tục triển khai xây dựng nhà máy có đúng quy định hay không, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thừa nhận theo kết quả đo đạc, rà soát và đối chiếu lại, khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân gần nhất chưa đúng so với quy định, quá trình hoàn tất thủ tục cho phép xây dựng nhà máy còn thiếu sót.

Ông Bính đề nghị người dân không chặn xe chở rác để xử lý rác tồn ứ suốt gần 1 tháng qua ở xã Phổ Thạnh, giải quyết tồn đọng khoảng 22.500 tấn rác cũ của nhiều năm trước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm nơi đây. Đồng thời, ông Bính cho biết sẽ giao cho các cấp ngành liên quan tìm vị trí, lập kế hoạch để di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, người dân cho biết sẽ tiếp tục ngăn chặn đến khi nào nhà máy được di dời đến nơi khác.

Tình trạng căng thẳng rác thải sinh hoạt không chỉ diễn ra ở Đức Phổ mà ngay cả ở bãi rác Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa – nơi xử lý rác thải cho TP Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành – cũng “nóng” liên tục nhiều tháng qua.

Đỉnh điểm, đầu tháng 7-2018, hàng trăm người dân sống xung quanh bãi rác Nghĩa Kỳ đã chặn xe chở rác vào nhà máy, yêu cầu nhà chức trách có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối tại bãi rác, không tiếp nhận rác khi nhà máy chưa hoàn thành xây dựng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đối thoại với người dân, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà máy tạm ngưng tiếp nhận rác.

Ngoài 2 điểm “nóng” trên, 3 năm trước, người dân sống xung quanh Nhà máy Xử lý rác Lilama (huyện Bình Sơn) cũng từng bị người dân ngăn cản không cho xe chở rác vào nhà máy. Còn tại Lý Sơn, vài năm trước cũng nan giải nạn rác thải sinh hoạt, đến nay đã được cải thiện nhờ Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Lý Sơn đi vào hoạt động.

Căng mình đối phó rác thải

Việc người dân chặn xe chở rác vào nhà máy xử lý đang khiến rác thải tồn đọng khắp nơi, ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, ở nhiều điểm, rác sinh hoạt chất đống, nhiều tuần không được thu gom ở các khu dân cư, bốc mùi hôi thối, nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

“Huyện đã họp nhiều lần nhưng không có phương án giải quyết, chỉ trông chờ việc đối thoại với người dân” – ông Nguyễn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho hay.

Tương tự, tại các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, kể từ khi người dân xã Nghĩa Kỳ chặn xe vào bãi rác, hàng trăm ngàn tấn rác thải sinh hoạt chất thành đống dọc Quốc lộ 1A, trong các khu dân cư… Riêng huyện Tư Nghĩa, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt trên 50 tấn. Nay nhiều nơi rác ứ đọng lâu ngày không được thu gom, người dân rất bức xúc.

“Thực sự chúng tôi cũng không có phương án nào khác. Thu gom rồi đóng thành bao để tạm nhưng chở tới đâu, người dân cũng ngăn chặn tới đó. Tìm khu đất trống nào cũng không được bởi người dân thấy là ngăn chặn ngay. Bây giờ chúng tôi cũng hết cách” – bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, phân trần.

Riêng tại TP Quảng Ngãi, sau nhiều ngày người dân sống chung với mùi hôi thối rác thải, tỉnh này quyết định đưa toàn bộ rác sinh hoạt ở TP Quảng Ngãi về bãi rác Đồng Nà. Tuy nhiên, bãi rác này cũng chỉ chứa được trong khoảng 20 ngày và đã bị Bộ TN-MT xử phạt, đóng cửa.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận tình hình rác thải sinh hoạt ở tỉnh hết sức căng thẳng do người dân khắp nơi phản đối. Các phương án hiện nay như đưa rác ở TP Quảng Ngãi về bãi rác Đồng Nà hoặc giao các huyện “tự xử” cũng chỉ là phương án tạm thời nhằm giải quyết tình trạng cấp bách. Còn về lâu dài, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý, khắc phục tình trạng tồn đọng về môi trường ở các nhà máy, vận dụng công nghệ tiên tiến khi xử lý, lựa chọn địa điểm phù hợp, nhà đầu tư có năng lực thực sự.

5 dự án xử lý chất thải

Trong văn bản gửi Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến nay, tỉnh đã kêu gọi được 5 dự án về lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt. Tất cả các dự án này đều có quy trình: phân loại, tái chế, làm phân compost và đốt nhằm tận dụng được nguồn nguyên liệu từ phế thải, giảm thể tích chôn lấp, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong đó có 3 nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt đã đi vào hoạt động gồm: Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt huyện đảo Lý Sơn, Nhà máy Xử lý chất thải Bình Nguyên, Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ. Một dự án đang triển khai xây dựng (nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ) và một dự án đang tiến hành các bước đầu tư (Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Đồng Nà).

Các nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động bước đầu đã góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân xung quanh khu vực dự án, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí xây dựng, khoảng cách an toàn, công nghệ xử lý, vấn đề ô nhiễm môi trường do dự án gây ra…

Theo Tử Trực/NLD


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Khắp nơi bức bối rác thải