Quảng Ngãi: Nỗi lo về môi trường từ những dự án lớn

Theo báo Đầu tư|28/12/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sự có mặt của nhiều dự án công nghiệp lớn là cơ hội để Quảng Ngãi hiện thực hóa chiến lược xây dựng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất thành trung tâm công nghiệp của cả nước. Song để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, đời sống người dân và môi trường là điều không đơn giản.

Môi trường bất thường

Nửa tháng sau khi xuất hiện hiện tượng hàng loạt cây cối đang xanh tốt xung quanh các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Hải, Bình Trị (KKT Dung Quất, Quảng Ngãi) bỗng nhiên úa rồi rụng hàng loạt, người dân còn đang hoang mang, thì ven biển, trong khoảng hơn 2 km lại thấy những mảng màu đen đã vón cục, nước biển từ màu xanh đổi thành màu… cà phê.

“Không may” cho Nhà máy Thép Hòa Phát – Dung Quất là đúng thời điểm này bắt đầu chạy thử mẻ luyện đầu tiên, nên bị người dân đưa vào tầm ngắm “thủ phạm”.

Ông Lê Quang Hải (thôn Đông Lỗ) chỉ ra vạt keo cháy lá, vỏ bắt đầu khô như… sấy, chép miệng: “Keo 3 năm tuổi, tôi định sang năm bán, nhưng giờ đã thành củi khô”.

Những tác hại lên cây cối và hoa màu thì dễ nhìn thấy, nhưng nguy hại nhất là nguồn nước và môi trường không khí. Những người dân sống gần khu vực biển Khe Hai, nơi nước biển đổi màu gần đây đã không dám dùng nước giếng khoan để nấu ăn, mà phải đi mua nước bình về dùng.

Quanh khu vực Nhà máy Thép Hòa Phát – Dung Quất, hàng loạt cây cối đang xanh tốt bất ngờ rụng lá

Những hiện tượng trên khiến người dân bất an và tìm cách bảo vệ mình trước khi cơ quan chức năng vào cuộc. 3 tháng, 5 lần, người dân quanh khu vực Nhà máy Thép Hòa Phát – Dung Quất tụ tập đông người, chặn trước cửa ra vào Nhà máy nhằm tìm câu trả lời. Đến nỗi, ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất phải nói rằng: “Từ lúc chúng tôi về làm dự án tại KKT Dung Quất, người dân chặn bao nhiêu lần, chúng tôi không đếm nổi”.

Truy tìm “thủ phạm”

Trước tình trạng nước biển đổi màu và phản ứng của người dân, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên đã tiến hành quan trắc. Kết quả quan trắc này được UBND huyện Bình Sơn công bố ngày 10/12/2019 cho thấy, 7/8 mẫu đạt tiêu chuẩn môi trường quốc gia, chỉ có chỉ số về độ PH trong nước biển cao hơn mức cho phép.

Bản công bố này không thuyết phục được người dân. Họ cho rằng, ô nhiễm đã xảy ra nhiều ngày, nên mới có hiện tượng cây chết. Trong khi đó, 3 ngày sau khi người dân phản ánh, mới có đoàn khảo sát, lấy mẫu; thời gian lấy mẫu xét nghiệm quá ngắn, nên độ chính xác có thể chưa cao.

“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo huyện xuống ở với người dân một tháng để thấy mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn”, ông Tạ Văn Phố, một người dân sống gần Nhà máy Thép Hòa Phát – Dung Quất đề nghị.

Về phía chính quyền địa phương, ông Lý Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, chưa thể nhận định được nguyên nhân xảy ra hiện tượng cây cối, hoa màu khô héo, vàng lá bất thường gần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, nên để đánh giá khách quan và toàn diện làm cơ sở giải quyết vụ việc triệt để, UBND huyện Bình Sơn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định nguyên nhân cụ thể.

Đừng để “cái sảy nảy cái ung”

KKT Dung Quất hội tụ nhiều dự án công nghiệp lớn. Những dự án này đã đem lại nhiều thay đổi tích cực, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, nhưng đi cùng với đó là những nỗi lo về môi trường.

Tại Dung Quất, từ trước đến nay, ngoài ô nhiễm tiếng ồn, bụi do Nhà máy Xi măng Đại Việt và không khí do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thì hiện tượng cây xanh chết và rụng lá, nước biển đổi màu chưa xảy ra. Vậy nên, những bất thường về môi trường được người dân nhắm đến “nhân tố mới” là điều dễ hiểu.

Nói như bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, thì việc Nhà máy Xi măng Đại Việt gây ô nhiễm môi trường đã phải đóng cửa; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gây ra mùi hôi và đã phải ngưng sản xuất nhiều lần để khắc phục đang là bài học cho Nhà máy Thép Hòa Phát – Dung Quất.

“Chúng tôi theo chủ trương của Trung ương là không đánh đổi môi trường lấy dự án”, bà Hà Thị Anh Thư đã từng nêu quan điểm trước khi dự án này về Bình Sơn. Vậy nhưng, Dự án vẫn được xây dựng, đi vào vận hành, sản xuất thử.

Trong khi những nghi vấn về môi trường từ bản kết luận cũ chưa làm hài lòng người dân và huyện Bình Sơn còn đang kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ, thì ngày 23/12 vừa qua, trong quá trình căn chỉnh chạy thử máy móc, thiết bị ban đầu, Nhà máy Thép Hòa Phát – Dung Quất đã xảy ra sự cố tại quạt hút của hệ thống lọc bụi tĩnh điện lò thổi, dẫn đến bụi màu nâu đỏ có chứa quặng Fe2O3 phát sinh trong lò thổi, không được hút hết, nên đã bay thẳng lên phát tán qua mái nhà xưởng ra môi trường và phải ngừng sản xuất để khắc phục.

Theo báo Đầu tư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nỗi lo về môi trường từ những dự án lớn