Quất bonsai Tứ Liên – Hương sắc ngày xuân

(Theo Môi trường và Cuộc sống)|08/02/2016 22:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn

() – Những cơn gió lạnh cuối Đông cùng những chiếc lá đã vào độ trực tàn. Đó cũng là lúc ta chợt như thấy bước chân của “nàng xuân” đang về, ngập ngừng, e ấp, cùng chút rụt rè. Chúng chưa đủ làm nên một mùa xuân ngập tràn hương sắc nhưng cũng đủ để tâm hồn người xao động, chờ mong. Nhưng có lẽ khi ta điểm thêm vào đó là những sắc vàng óng ả của những chùm quất hay sắc hồng tươi mới của những cành đào thì chắc hẳn không gian hương vị mùa xuân sẽ thêm đậm đà hơn.

Ý nghĩa trong ngày Tết

Vốn được xem là loại cây cảnh tượng trưng cho sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa ăn nên làm ra của gia chủ. Theo quan niệm của người Việt ta, cây quất tượng trưng cho sự thu hoạch “bội thu” và cũng là một khởi đầu cho năm mới tốt đẹp. Vì thế, vào đầu năm mới, ta thường thấy mỗi gia đình sẽ mua một cây quất quả vàng xum xuê, lá xanh tốt với mong muốn khởi đầu một năm mới tốt đẹp, giúp gia tăng tiền tài và vận may cho các thành viên trong gia đình.

Dạo một vòng quanh làng Tứ Liên vào những ngày giáp Tết ta có thể cảm nhận được không khí xuân đang cận kề. Những chùm quất đã bắt đầu ngả sang màu vàng óng, những tán lá xanh mướt xen lẫn ít hoa và quả xanh. Đâu đó bên cạnh những cây quất là hình ảnh những người dân đang say sưa chăm chút bên từng cây quất và mong đợi một mùa quất bội thu.

anh4

Những chậu quất bonsai tại làng Tứ Liên

Những năm trở lại đây, không chỉ trồng quất truyền thống mà người dân tại làng Tứ Liên đã phát triển và trồng thêm cả những chậu quất bonsai. Quất bonsai không trồng trực tiếp xuống đất mà trồng trong những chậu gốm, sứ nhỏ gọn. Trung bình mỗi cây quất cảnh rất nhỏ, chỉ cao khoảng 20 – 50cm nhưng có giá khá cao. Nhỏ, nhưng những cây quất này vẫn có đủ hoa, lá lộc, và đặc biệt là được được tỉa dáng rất đẹp, phù hợp với những ngôi nhà có không gian nhỏ.

Theo người dân nơi đây, so với việc trồng quất thường thì trồng quất bonsai có lợi thế hơn đó là không tốn nhiều diện tích đất trồng và chỉ cần chăm chút tỉ mỉ thì những cây quất nhỏ cũng có giá cả chục triệu đồng, hơn hẳn giá của nhiều cây quất to cũng chỉ vài ba triệu đồng. Nhưng để có được những chậu quất bonsai đẹp không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người trồng phải chăm chút rất tỉ mỉ, từ tỉa cành, tạo dáng, đón quả, giữ hoa cho cây đúng theo từng thời điểm. Không chỉ có cây không mà các bình đựng cũng được chọn một cách công phu. Hơn nữa, cây phát triển trong chậu khó hơn cây trồng ngoài đất nhiều, muốn cho cây không lớn quá nhanh, hay kết trái quá muộn thì người trồng phải am hiểu về vòng đời của cây và quan trọng là phải uốn tạo thế cây đẹp.

Quất trong nghệ thuật bonsai

Bonsai không chỉ là kỹ thuật đơn thuần mà còn là một nghệ thuật đặc biệt. Mỗi cây bonsai là một tác phẩm độc đáo, không có hai tác phẩm bonsai nào giống hệt nhau. Ẩn chứa trong mỗi tác phẩm ấy là một triết lý riêng, thể hiện mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Với nhiều nghệ nhân, bonsai còn hơn cả một người bạn tâm giao tri kỷ, chia sẻ buồn vui…

Quất bonsai cũng vậy, là một hình ảnh thu nhỏ của vẻ đẹp thiên nhiên. Qua bàn tay chăm sóc tỉ mỉ và nghệ thuật gia công của các nghệ nhân mà mỗi chậu quất bonsai thường ẩn chứa một nội dung tư tưởng nhất định, thể hiện mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Đồng thời quất bonsai còn là sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật thi họa, gốm sứ, điêu khắc.

anh1

Biểu tượng của sự trù phú

Để có thể tạo nên những chậu quất với hình tượng nghệ thuật mới hoàn mỹ và phát huy mạnh mẽ hiệu quả của nghệ thuật bonsai thì những cây quất đó cần phải phối hợp với những chậu cảnh hòa hợp. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa quất bonsai và quất  thông thường. Khi thưởng ngoạn quất cảnh, người ta tập trung nhiều hơn vào việc ngắm hoa và lá. Ở quất bonsai, sự thưởng lãm thường nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cảnh.

Mỗi người có cách cảm nhận khác nhau và vì thế chậu cảnh cũng có nhiều kiểu dáng khác nhau. Người lớn tuổi thích kiếu dáng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thể hiện thế cây: phúc – lộc – thọ, ngũ phúc, phu tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu,… Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây ngang hoặc trễ đổ xuống như dòng thác.

Trong nghệ thuật bonsai, người xưa thường chú ý bốn yếu tố: “nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp”. Chính vì vậy, ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho “tam cương” (quân thần, phu tử, phu phụ), “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh).

Có lẽ chính sự độc đáo và lạ của nghệ thuật bonsai mà hiện nay thú chơi quất bonsai vào dịp tết đã trở lên phổ biển và rộng khắp cả nước.

Nói về cách chơi quất bonsai trong nhiều năm trở lại đây, nghệ nhân Nguyễn Thế Mạnh cho hay, đối tượng chơi quất cảnh này thường là người ít nhiều hiểu về cây cảnh nghệ thuật. “Người tới mua quất bonsai thường là người thích cây cảnh. Những cây quất bonsai có thế cảnh đẹp, lạ được mọi người chú ý nhất”.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Mạnh cũng nhấn mạnh thêm nguyên nhân khiến quất bonsai “hót” trong những năm gần đây chính là đặc điểm: nhỏ, lạ, dễ vận chuyển… phù hợp với các gia đình có không gian nhỏ.

Hiện nay, các chủ vườn đã hướng tới sự mới lạ, trong việc trang trí, tạo thế cho cây quất bonsai phù hợp với ý nghĩa của năm Bính Thân. Với suy nghĩ, con khỉ sinh ra từ đá, các nghệ nhân đã thiết kế cây quất ôm núi đá. Điều đó, thể hiện sự phù hợp và ý nghĩa năm Bính Thân.

Năm nay, những thế quất thác đổ, long phượng… vẫn được chú ý như mọi năm. Tuy nhiên, để đón Bính Thân sắp đến, các chủ vườn quất đã khéo léo phù hợp, ý nghĩa với con khỉ.

Khách đến vườn quất chọn lựa rất tỉ mỉ và thường những cây có dáng phất lộc và có một nhánh được ưa chuộng. Tuy nhiên, để tạo ra sự khác biệt, thích thú với khách hàng, tôi trang trí thế quất cuốn đá, quất hoa quả sơn… với ý nghĩa con khỉ được sinh ra từ đá và con khỉ ưa hoa quả.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Thế Mạnh (phường Tứ Liên, Tây Hồ) – người nhiều năm trồng quất bonsai: “Để trồng, chăm sóc một chậu quất bonsai thường khó hơn nhiều so với trồng một cây quất truyền thống”.

Dễ thấy nhất là thời gian chăm sóc một cây quất bonsai ít nhất phải mất 3-5 năm. Hơn nữa, việc trồng quất trong lộc bình nhỏ đòi hỏi công sức chăm sóc, phân bón… phù hợp, cây mới sinh trưởng và đạt được như ý mình mong muốn”.

Trồng quất trong bình cần chăm chút tỉ mỉ hơn rất nhiều so với quất truyền thống. Các giai đoạn chiết cành, tạo dáng, đón quả cần chuẩn xác nếu không cây sẽ bị phá thế. Để trồng được một bình quất có dáng ưng ý.

Về giá của thị trường quất bonsai năm nay, các chủ vườn cho biết: ở thời điểm hiện tại thì giá quất cũng chỉ tương đương với năm trước. Những cây quất nhỏ, treo tường có giá bán dao động từ 1-1,5 triệu đồng; những cây có gốc to hơn, dáng đẹp và bày trong chậu cảnh có giá từ 2-5 triệu đồng, thậm chí có những cây lâu năm, ghép đá phong thủy có giá từ 17-20 triệu đồng…

(Theo Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quất bonsai Tứ Liên – Hương sắc ngày xuân