Quốc hội kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước tại Kỳ họp cuối tháng 3

Minh Hoàng|23/02/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội 11 sẽ quyết định các vấn đề quan trọng. Trong đó là kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước.

Sáng ngày 23/2, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 24/3, dự kiến bế mạc vào ngày 7/4.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ dành 6,5 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng; cụ thể là kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước tại phiên họp này. Công tác nhân sự được tiến hành từ 28/3.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, kỳ họp này tập trung cao cho việc kiện toàn các chức danh bộ máy Nhà nước. Vì vậy, các nội dung “đã chín thì thông qua, còn chưa chín thì dành phiên sau hoặc Quốc hội khóa mới tiếp cận”. Kinh nghiệm làm trong mấy khóa cho thấy công tác nhân sự phải làm rất khẩn trương, khoa học.

“Đây là khóa đầu tiên mà các đồng chí chủ chốt của Quốc hội nghỉ cả, đề nghị chúng ta kiện toàn đảm bảo số lượng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không nên gộp. Nếu nghỉ trước thì không đủ điều kiện để họp Thường vụ Quốc hội về số lượng”, bà nói, đề nghị nên kiện toàn lãnh đạo trước.

Phiên họp 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH.

Liên quan công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ thực hiện theo quy định, tuy nhiên với vị trí yêu cầu người giữ chức vụ phải là đại biểu Quốc hội thì các đồng chí đương nhiệm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi bầu ra Quốc hội khoá XV.

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ dành thời gian đủ để kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước trong kỳ họp này. Nội dung cụ thể về nhân sự, chiều 24/3 Đảng đoàn Quốc hội họp, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến.

“Công việc rất cần thiết, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào công việc còn lại của mình chuẩn bị cho chu đáo, gọn ghẽ để khi bàn giao bảo đảm sự tiếp nối như dòng chảy liên tục”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Bà Ngân cho hay, theo Luật Tổ chức Quốc hội, những chức danh Quốc hội bầu, đã thông qua nghị quyết là có hiệu lực ngay và người đó tiếp nhận công việc ngay.

“Chủ tịch mới bầu rồi, tuyên thệ rồi là lên vị trí điều hành. Những người mới thay người cũ vẫn là ĐBQH cho đến khi bầu ĐBQH mới”, bà Ngân nói.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021.

Minh Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước tại Kỳ họp cuối tháng 3