Quy hoạch đô thị thông minh đối mặt với nhiều thách thức

Theo báo Hải quan|18/11/2018 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa

– Một số đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương…

>>> Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh

>>> Xử lý người điều khiển ô tô vi phạm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, từ thực tiễn phát triển đô thị thông minh, thế giới đã chứng kiến những sự thay đổi trong tổ chức đi lại, phân phối hàng hóa, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh, bảo vệ tài nguyên và cung cấp dịch vụ công ở khu vực đô thị…

Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, Hà Nội với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, nằm trong số những siêu đô thị trên thế giới đang đối mặt các thách thức trong quy hoạch, an ninh, xử lý môi trường, nhà ở… Do đó, Hà Nội hướng tới phát triển thành một đô thị thông minh mang đến tiện ích cho người dân, trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, các tồn tại về quy hoạch, tình trạng ùn tắc giao thông, những bất cập về các vấn đề như an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường… Do đó, xây dựng đô thị thông minh đảm bảo các yếu tố bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Đánh giá về tình hình đô thị hóa, ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện Việt Nam có hơn 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc vào khoảng 37,5%, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. Bên cạnh những đóng góp tích cực của quá trình đô thị hóa, các đô thị Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều thách thức như: Chất lượng tăng trưởng đô thị còn thấp, cơ sở hạ tầng và kết nối nghèo nàn, năng lực quản lý đô thị còn hạn chế…

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển hạ tầng thường không theo kịp với tốc độ đô thị hóa, dẫn đến những hệ lụy như tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… Trước thực trạng đó, một số đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương…

Hiện Việt Nam cũng đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với các đối tác là các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn như VNPT, Viettel để xây dựng Đề án đô thị thông minh, trong đó nhiều địa phương đã phê duyệt và tổ chức thực hiện như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và huyện Phú Quốc. Nhưng theo ông Trần Ngọc Linh, vẫn còn không ít địa phương tại Việt Nam đang lúng túng trong xây dựng đô thị thông minh vì đang thiếu hành lang pháp lý cho các dự án đô thị thông minh.

Mới là bước đầu

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP) cho biết, quy hoạch đô thị thông minh ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu, hình thành phương pháp, quy trình, hướng dẫn. Để đô thị thông minh trở thành hiện thực, không chỉ là sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch thông minh để tạo nên không gian đô thị bền vững.

Quy hoạch đô thị thông minh tại Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như việc thiếu cơ sở dữ liệu quy hoạch, đặc biệt là cơ sở dữ liệu thông tin địa lý (GIS) của đô thị. Ngoài ra hệ thống quy hoạch đô thị hiện còn những bất cập về cả thể chế và phương pháp quản trị, sự phối hợp liên ngành trong quy hoạch đô thị thông minh… Vì vậy, để quy hoạch đô thị hướng tới đô thị thông minh cần tập trung vào những vấn đề như: Đổi mới phương pháp lập quy hoạch và mục tiêu lập quy hoạch hướng tới đô thị thông minh; xây dựng các hướng dẫn tích hợp đô thị thông minh trong quy hoạch đô thị. Đồng thời, đào tạo, chuyển giao công nghệ quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị bằng công nghệ tiên tiến; ứng dụng nền tảng hệ thông tin địa lý GIS trong quy hoạch đô thị, số hóa đô thị; xây dựng phương thức quản trị đô thị thông minh; Nâng cao khả năng nhận thức của người dân, cộng đồng.

Về định hướng triển khai đô thị thông minh trong thời gian tới của TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giao thông thông minh là hướng đi Hà Nội đã tập trung thời gian qua và sẽ duy trì thời gian tới. Hiện Hà Nội đang định hướng triển khai xây dựng Hệ thống điều hành giao thông thông minh (Trung tâm giám sát điều hành giao thông) để xử lý các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông; ghi lại hình ảnh tội phạm đường phố, quản lý phương tiện giao thông ngoại tỉnh vào Hà Nội…

Trung tâm này sẽ đảm nhiệm nhiều chức năng chính gồm: Điều hành và giám sát giao thông; xử lý các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông; ghi lại hình ảnh để xử phạt vi phạm giao thông (phạt nguội); Ghi lại hình ảnh tội phạm đường phố, tội phạm nơi công cộng, các hoạt động liên quan đến biểu tình và tập trung đông người.

Hệ thống cũng thực hiện chức năng quản lý phương tiện giao thông công cộng như Metro, xe buýt, taxi, các phương tiện chở khách du lịch và sau này còn quản lý cả các phương tiện giao thông ngoại tỉnh đến Hà Nội, cấp phép xe du lịch đi vào nội đô và quản lý các phương tiện cá nhân…; Hướng dẫn giao thông bằng bản đồ giao thông số; tích hợp dịch vụ đỗ xe thông minh của toàn TP (Iparking), hay điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; quản lý thẻ, vé điện tử dùng chung; hạn chế phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô.

Theo báo Hải quan


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch đô thị thông minh đối mặt với nhiều thách thức