Rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam

Theo Monre|11/01/2018 01:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 10/01, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Tổ công tác rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Tham gia cuộc họp có các thành viên Tổ công tác; các chuyên gia nước ngoài; đại diện các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Toàn cảnh cuộc họp 

Tổ công tác rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 2945/QĐ-BTNMT ngày 23/11/2017 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm Tổ trưởng. Tổ công tác có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành; các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong nước trong các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác nhằm thống nhất kế hoạch làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ công tác và trao đổi về việc thu thập, xử lý thông tin phục vụ rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, trong quá trình triển khai NDC của Việt Nam đã đặt ra nhiều vấn đề. Vì vậy, cần rà soát và cập nhật NDC nhằm xác định các đóng góp cụ thể về giảm nhẹ phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu theo yêu cầu quốc tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam từ nay đến năm 2030 để Việt Nam tham gia đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2018 và đệ trình NDC cập nhật năm 2019.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Tuệ cũng nêu ra một số ý kiến cần trao đổi về xây dựng cơ chế, chính sách để thực hiện tốt các cam kết trong NDC trong thời gian tới như: cần làm rõ tính pháp lý của việc thực hiện NDC, có cần thiết xây dựng và cập nhật kịch bản phát thải thông thường (BAU) hay không; mức giảm, phương pháp tiếp cận và cách thức kiểm soát đối với giảm phát thải khí nhà kính của từng lĩnh vực để đạt được mục tiêu giảm phát thải tổng thể của quốc gia; các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai và mối quan hệ với hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…

Cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ mong muốn, trong quá trình cập nhật NDC, thành viên tổ công tác sẽ phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực để có thể xây dựng được các cơ chế, chính sách triển khai NDC đảm bảo tính khả thi và đạt được kết quả mong muốn.

Tại cuộc họp, Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đã làm rõ thêm về NDC của các quốc gia và sự cần thiết phải rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam. Theo Giáo sư Trần Thục, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính nên cần nghiêm túc rà soát và cập nhật NDC nhằm xác định các giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, Sơ đồ phát triển điện lực quốc gia VII sửa đổi, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời,… cũng như yêu cầu đối với thích ứng biến đổi khí hậu đã đặt ra sự cần thiết phải rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam phù hợp với yêu cầu trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, thành viên tổ công tác đã trao đổi, thảo luận về Kế hoạch rà soát và cập nhật NDC hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm các nội dung công việc, thời gian thực hiện và cách thức phối hợp giữa các thành viên tổ công tác trong quá trình rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia quốc tế từ các tổ chức UNDP và GIZ cũng cam kết hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình này.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam