Rác thải điện tử hủy diệt môi trường sống

(Theo Mạnh Tuấn – T/c Môi trường và Cuộc sống)|23/11/2016 09:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Liên Hiệp Quốc dự báo rằng khối lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng 33% vào năm 2017. Lượng rác thải điện tử tăng lên sẽ kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường, có nguy cơ hủy diệt môi trường sống và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Rác thải điện tử, bao gồm bất kỳ sản phẩm nào có dùng pin và dây dẫn điện, thường chứa các vật liệu độc hại cho con người và môi trường. Khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi, chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành rác điện tử. Với sự phát triển của ngành công nghệ chóng mặt như hiện nay thì rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

untitled7

Mỗi năm Việt Nam thải ra 90.000 tấn rác thải điện tử

Các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hoá học khác nhau có thể xâm nhập vào đất và trở nên có hại. Những thứ như chì, thuỷ ngân, đồng, niken, bari, thậm chí là arsen hiện diện ở trong vô số sản phẩm điện tử. Khi các sản phẩm này hết date và bị ném ra ngoài bãi rác, chúng thường vỡ nát và phơi ra ngoài “nội thất” bên trong với các thành phần kim loại và hoá chất độc hại, nguy hiểm.

Liên Hiệp Quốc dự báo rằng khối lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng 33% vào năm 2017. Cụ thể, khối lượng các sản phẩm điện tử thải ra mỗi năm trên toàn cầu sẽ tăng lên 65,4 triệu tấn mà phần lớn sự gia tăng lại xuất phát từ các quốc gia đang phát triển.

Theo các nhà khoa học, hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử nhưng chính nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Scotland, Hàn Quốc… cảnh báo.

Đặc biệt, công nhân làm việc trong ngành này thường phải tiếp xúc với các mối nguy hại từ axít trong quá trình ăn mòn, làm sạch thiết bị, chất khí dễ cháy nổ, hơi khí độc, tia cực tím, phóng xạ… Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thống kê được mỗi năm có 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra.

Tại Việt Nam, theo nhận định của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Như vậy với dân số 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.

Mối nguy hiểm từ rác thải điện tử

Ô nhiễm không khí

Nhiều nhà máy xử lý rác thải điện tử thô sơ không được vận hành một cách an toàn. Ví dụ, một số nhà buôn bán rác thải điện tử đốt cháy các dây cáp máy tính hở để thu về kim loại đồng ở bên trong – một loại hàng hoá có giá trị. Việc đốt cháy ngoài trời sẽ giải phóng hydrocarbon vào không khí, trong khi quy trình hoá học để bóc tách lấy vàng từ con chip máy tính bọc vàng sẽ dẫn đến việc tạo ra các chất thải dioxin và kim loại nặng.

Một nghiên cứu gần đây về tác động môi trường của bãi rác điện tử lớn nhất thế giới Guiyu tại Trung Quốc cho hay, chất dioxin trong không khí đã tăng đột biến gấp 100 lần so với bình thường trước đây.

Ô nhiễm nước

Ống tia âm cực, thường được tìm thấy trong các TV, camera video và màn hình máy tính cũ trong tình trạng gãy vỡ, và vỏ bọc đã bị phá huỷ. “Nội thất” bên trong lớp vỏ bọc, như chì và baric có thể rò rỉ vào đất và nước ngầm mà người dân đang sinh sống và sử dụng. Điều này không chỉ nguy hiểm cho người uống và tắm bằng nguồn nước này mà còn cho cả nhiều loại động thực vật sinh sống dựa vào nguồn nước đó.

Ô nhiễm đất

Nghiên cứu chỉ ra rằng, 45 triệu người vùng đồng bằng Châu Giang, Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ dòng gió mang các hạt độc hại reo rắc xuống đất trồng của vùng đồng bằng rộng lớn này, từ đó qua các sản phẩm nông nghiệp theo vào cơ thể người.

An ninhthông tin

Ngoài các nguy cơ đối với môi trường, rác thải điện tử cũng tạo ra mối đe doạ về an ninh thông tin đối với cá nhân và tổ chức. Nếu một ổ cứng không được xoá đi đúng cách trước khi bị bỏ đi, nó có thể bị xâm nhập và lấy đi các thông tin nhạy cảm. Số thẻ tín dụng, dữ liệu tài chính và thông tin tài khoản có thể bị lấy đi theo cách này. Có hàng loạt tội phạm có tổ chức ở Ghana chuyên khai thác thông tin mật từ các ổ đĩa máy tính bị vứt bỏ.

Lạm dụng người lao động nghèo

Theo một báo cáo chính thức, có khoảng 29,8 triệu người trên thế giới hiện vẫn sống như nô lệ. Rất nhiều người tự đưa mình vào các công việc vất vả và nguy hiểm với mức lương vô nghĩa, bởi đó là công việc duy nhất dành cho họ. Và bởi 90% số rác thải điện tử là bị buôn bán trái phép, nên ngày càng có nhiều kẻ trên thế giới khai thác người lao động nghèo qua các công việc xử lý và bóc tách rác thải điện tử. Những người lao động này không có quyền con người, bị phơi nhiễm chất độc hại hàng ngày. Một số trong đó bị ép buộc làm việc nhiều giờ, càng khiến họ bị đe doạ trước các nguy cơ sức khoẻ nhiều hơn.

Đề xuất giải pháp xử lý rác thải điện tử

Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản dưới luật nào về vấn đề quản lý, thu gom, xử lý rác thải điện tử, đây là vấn đề đang đặt ra trước thực tiễn hiện nay. Việt Nam cần có một số giải pháp để việc xử lý rác thải điện tử có hiệu quả hơn.

Thành lập cơ quan quản lý chuyên biệt, ban hành hàng loạt văn bản quy định về quản lý, thu gom, xử lý chất thải. Tiêu chuẩn tác động môi trường được phép có trong sản phẩm, linh kiện điện tử. Hạn chế nhập khẩu sản phẩm đã qua sử dụng hoặc có mức độc hại quá mức cho phép. Trách nhiệm của chuỗi cung ứng từ  nhà sản xuất – nhà phân phối – đại lý bán – khách hàng. Cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý, tái chế rác thải điện tử…

Quy hoạch chi tiết các khu vực có thể tập trung xử lý, tái chế rác thải điện tử, áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại trong việc xử lý tái chế đúng quy trình để giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ độc hại, cũng như góp phần hạn chế  rác thải điện tử. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sửa đổi bổ sung các quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội. 

(Theo Mạnh Tuấn – T/c Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rác thải điện tử hủy diệt môi trường sống